Với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt, 15 tình nguyện viên hôm 25/4 rời khỏi hang động Lombrives, tây nam nước Pháp, với tràng pháo tay của mọi người xung quanh. Tất cả đều đeo kính bảo hộ đặc biệt để bảo vệ mắt sau 40 ngày sống trong bóng tối.
"Thời gian qua mọi thứ như tạm dừng. Tôi không thấy phải vội vàng làm bất cứ điều gì, thậm chí có thể ở lại trong hang vài ngày nữa, nhưng tôi những rất vui khi nghe được tiếng chim hót và cảm nhận những làn gió mát trở lại", Marina Lancon, một trong 7 phụ nữ tham gia thử thách, nói.
Sau suốt 40 ngày sống trong hang tối mà không có các thiết bị thông minh, Lancon cho biết cô dự định không cầm vào điện thoại trong vài ngày tới cũng như hy vọng không quá bỡ ngỡ khi quay lại cuộc sống thực.
Nhóm 15 tình nguyện trên hoàn tất cuộc sống trong hang tối như một phần của dự án mang tên "Deep Time", sống không có ánh sáng tự nhiên với nhiệt độ khoảng 10 độ C. Những người này cũng không được liên lạc hay cập nhật bất cứ thông tin gì từ thế giới bên ngoài.
Đây là dự án trị giá 1,2 triệu euro của các nhà khoa học tại Viện Thích ứng Con người, nhằm hiểu rõ hơn cách loài người thích ứng với những thay đổi mạnh mẽ trong điều kiện và môi trường sống. Đúng như dự đoán của các nhà khoa học, nhóm tình nguyện viên này sau 40 ngày đã mất khái niệm về thời gian.
"Cuối cùng chúng tôi đã ở đây, sau khoảng thời gian 40 ngày. Đối với chúng tôi, điều này thật sự bất ngờ. Trong suy nghĩ của tôi, mình mới bước vào hang này 30 ngày trước", giám đốc dự án Christian Clot, người cũng tham gia thử thách, nói, trong khi các thành viên khác nghĩ họ mới chỉ ở trong hang 23 ngày.
Các nhà khoa học đã theo dõi lịch trình ăn ngủ, tương tác xã hội và hành vi của 15 tình nguyện viên thông qua cảm biến. Dựa trên đồng hồ sinh học, những người này tự tính khi nào thức dậy, đi ngủ và ăn uống. Họ tính ngày không dựa theo giờ mà dựa theo chu kỳ giấc ngủ.
Hai phần ba số người tham gia thử thách 40 ngày sống trong hang động đều bày tỏ mong muốn ở lại lâu hơn một chút để hoàn thành các dự án họ khởi động trong thời gian này.
"Tương lai loài người chúng ta trên hành tinh này sẽ phát triển. Chúng ta phải học để hiểu rõ về cách bộ não có thể tìm ra những giải pháp mới, bất kể tình huống nào", Clot nói.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)