”Con trai ai chẳng thích sống thử, đặc biệt là mấy chàng sinh viên xa nhà. Có người yêu chăm sóc, mình không phải ăn cơm bụi hay mì tôm trường kỳ. Thời đó, mình và mấy thằng độc thân khác một tháng 'viêm màng túi' đến 20 ngày nhưng anh bạn sống thử kia lúc nào cũng tươm tất vì được vợ hờ chăm bẵm, và luôn chữa cháy khi cần thiết”, Dương nhận xét.
Trong mắt anh, sống thử giúp các bạn nam tiết kiệm được tiền thuê nhà, giảm chi phí ăn uống, không phải làm việc nhà, nói chung là con trai hoàn toàn được lợi nên cậu chàng nào cũng thích. "Nhưng ngược lại các bạn nữ nên cẩn thận vì như cậu bạn của mình, sau khi ra trường đã đá bay cô người yêu kia”, Dương chia sẻ.
Không phải anh chàng nào sống thử cũng "kiểm soát" được bạn gái hoàn toàn. Tiến và Trang từng thuê nhà trọ trên đường Láng, Hà Nội sống như vợ chồng. Chàng hơn nàng 5 tuổi, chàng đi bán bảo hiểm còn nàng vẫn đang học đại học. Chàng không phải nuôi nàng vì bố mẹ nàng hàng tháng vẫn gửi tiền chu cấp cho con gái. Bố mẹ Trang không ưng Tiến nên nàng phải giấu nhẹm chuyện sống thử cùng chàng. Để lấy lòng người yêu, chàng ra sức chiều chuộng nàng. Tuy nhiên, sau 3 năm sống chung, nàng quyết định từ bỏ chàng để về với vòng tay bố mẹ. Níu kéo không được, uất ức quá, Tiến chốt hạ một câu: “Nếu em không có tiền, anh sẽ cho em tiền đi vá trinh để người đến sau không khinh rẻ em”.
Tùng Phương (nhân viên tại một công ty du lịch ở quận 1, TP HCM) thì đang băn khoăn với cảnh bỏ thì thương, vương thì tội. Phương và người yêu sống thử đã 4 năm, từ năm thứ cuối đại học. Bây giờ người yêu giục cưới vì đã cứng tuổi. Phương không hào hứng với cuộc hôn nhân này bởi đang say nắng một cô bạn đồng nghiệp nhưng anh không đủ can đảm bỏ rơi người yêu từng sống thử bao nhiêu năm với mình. Bố mẹ anh đã coi cô như con dâu từ lâu, cũng muốn hai trẻ chính thức kết hôn để còn sinh cháu cho ông bà trông nom. “Chắc là vẫn phải cưới thôi, 'lợi dụng' người ta 4 năm rồi. Tuy nhiên, biết thế này, mình không sống thử thì giờ đỡ khó xử”, Phương cho biết.
Nói chuyện với các bạn trẻ trong CLB Tiền hôn nhân của Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Đại học sư phạm TP HCM) cho rằng bản chất của sống thử không xấu. Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, sống thử chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. “Chính điều này làm cho nó xấu”.
Vậy có nên sống thử hay không? Theo ông Hiếu, điều này phục thuộc vào mục đích và cách chúng ta sống thử. Bạn hãy xem mục đích sống thử của bạn là gì, có xứng đáng hay không. Nếu chỉ đơn giản là để tiết kiệm tiền thuê nhà, tiết kiệm chi phí ăn uống, có người ở cùng cho vui, bạn hoàn toàn có thể tìm một người bà con họ hàng, một người bạn ở cùng.
Còn nếu mục đích để tìm hiểu sâu sắc hơn người mình dự định sẽ ăn đời ở kiếp như xem người đó có ngủ ngáy, ăn ở dơ hay không… mức độ hòa hợp cá tính và lối sống của cả hai như thế nào, kỹ năng giải quyết xung đột ra sao, kỹ năng quản lý tài chính chung như thế nào (tài chính là nguyên nhân phổ biến trong các vụ ly dị), kể cả việc kiểm tra mức độ hòa hợp trong đời sống tình dục thì có thể sống thử một thời gian.
Tuy nhiên, trước khi dọn về sống chung cùng nhau, cả hai phải cân nhắc kỹ lưỡng, nên thảo luận những việc được phép làm và không được phép làm, quy ước rõ ràng về các vấn đề sống chung như tiền bạc, xung đột, nuôi dưỡng tình yêu, kể cả việc chia tay như thế nào để tránh được hệ lụy đau lòng và nên nghiêm túc với quyết định của mình. Đặc biệt không nên để việc sống thử dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, để lại vết thương lòng cho nhau khi chia tay hay hình thành lối sống hời hợt, buông thả, dễ nhàm chán.
Quan niệm của xã hội đã cởi mở hơn trước nhưng các bạn gái vẫn khó tránh được việc tổn thương danh dự khi nền văn hóa Việt Nam cũng như phương Đông vẫn còn khắt khe với sống thử và trinh tiết. “Ít bố mẹ nào có thể đồng ý cho con trai mình lấy một người con gái đã sống với người đàn ông khác nhiều năm trước đó. Thế nên việc sống thử sẽ ảnh hưởng đến gia đình chính thức sau này”.
Phía con trai, cũng mất mát chứ không “chỉ toàn được” như mọi người nhầm tưởng. Nhiều trường hợp các bạn nam sống thử rơi vào cảnh bế tắc, đau khổ khi đặt hết tất cả vào mối quan hệ đó nhưng kết quả không như mong muốn. Sống thử cũng giống như cây đinh đóng vào tấm ván, khi dứt ra cả hai đều hỏng.
Thậm chí ở những nền văn hóa thoáng mở như Phương Tây, người ta cũng không dễ dàng khi sống thử. Tracy McMillan, tác giả của cuốn “Why You’re Not Married…Yet: The Straight Talk You Need to Get the Relationship You Deserve) khuyên các cặp đôi trước khi quyết định dọn đến ở cùng nhau nên hiểu rằng đó là một quyết định lớn và có thể ảnh hưởng đến cuộc đời. Quyết định sống thử là thời điểm đẹp nhất trong mối quan hệ lứa đôi, khi cả hai đã nghiêm túc nghĩ đến việc kết hôn, từ bỏ hai không gian xa cách để về nằm chung một giường. Nhưng đây cũng là thời điểm rất đáng sợ với những tranh cãi và bất đồng trong cuộc sống hàng ngày, nhà cửa bừa bộn, giận dỗi nhau.
Tracy McMillan cho rằng các cặp đôi chỉ nên sống thử nếu đã thảo luận về các mong muốn của mình một cách cởi mở và trung thực. Sai lầm lớn nhất của các cặp sống thử là không nói về ý nghĩa thực sự của việc đồng hành cùng nhau. "Hãy ngồi xuống và thảo luận về lý do tại sao chúng ta lại sống thử. Bước tiếp theo là gì? Tại sao bây giờ chúng ta dành thời gian để chuyển đến sống cùng nhau? Vì tiền, vì muốn quan tâm chia sẻ hay vì sex…?” Và nếu là vì tiền thì đừng bao giờ bạn bước chân vào. Rõ ràng khi sống thử, hai người sẽ phải trả các hóa đơn cùng nhau nhưng đừng bao giờ để xảy ra tình trạng người này ỉ lại người kia…. "Bạn phải nói với 100% tự tin rằng việc ở cùng nhau không ảnh hưởng gì đến tài chính của bạn". Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ bạn và người yêu thuộc đối tượng nào: sống thử để kết hôn hay sống thử vì không muốn kết hôn.
Còn theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Phương, nói sống thử có thể giúp ta trau dồi kỹ năng giải quyết xung đột trong hôn nhân không hẳn đã đúng. “Chúng ta có thể làm rất nhiều bài tập trước khi đi thi, nhưng nếu đề thi không rơi vào bài tủ, một học sinh kém vẫn có thể bị điểm trượt. Trong khi đó, với chuyện hôn nhân, đời người cũng không thể làm nháp quá nhiều lần. Hơn nữa, tâm lý con người thì phức tạp, cuộc sống thì thay đổi không ngừng, ngày hôm nay không bao giờ giống ngày hôm qua. Chưa kể hôn nhân có những ràng buộc rất khác sống thử, sự công nhận của pháp luật, sự hòa nhập vào một đại gia đình… buộc người ta phải có những ứng xử khác hơn. Thực tế 'thử kêu đốt xịt' đã rất nhiều”, bà Phương ví von.
Như anh Hoàng (Nam Định) và chị Mai (Thanh Hóa) từng sống chung với nhau 5 năm trước kết hôn. Tuy nhiên, chỉ sau ngày cưới 4 năm, họ đã đưa nhau ra tòa. Anh Hoàng thừa nhận rằng, nghĩ rằng sống thử để xem có hợp rồi làm đám cưới không là một sai lầm. Như trường hợp của anh, khi sống thử, mọi thứ đẹp như mơ, bố mẹ hai bên vui vẻ, chấp nhận hai đứa như con dâu, con rể trong nhà. Anh và người yêu cũng chẳng mấy khi tranh cãi, ghen tuông, lúc nào cũng ríu rít như một đôi chim non. Thậm chí, mẹ anh khi đó còn thân thiết với Mai hơn thân với con trai, bà và cô gặp nhau có thể nói chuyện cả ngày với bao nhiêu đề tài của chị em phụ nữ. Thế nhưng, khi hai người chính thức kết hôn, mọi chuyện dường như đảo ngược 180 độ.
Thời sống thử, anh chị được tự do trong tổ ấm đi thuê của mình. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh được bố mẹ cho tiền mua nhà Hà Nội, ông bà cũng dọn lên ở chung. Sống chung, mâu thuẫn con dâu mẹ chồng bỗng trở nên gay gắt. Đặc biệt, khi con gái anh ra đời, chị bị băng huyết, còn anh vì vội vàng phi xe đến bệnh viện đã đụng tai nạn xe máy phải bó bột. Gia đình hai bên lao vào chỉ trích nhau. Bao nhiêu những không may đổ xuống, những khách quan tác động khiến anh chị mệt mỏi, cuối cùng cả hai đã không thể giữ được cuộc hôn nhân của mình.
Kim Anh