Theo các chuyên viên tư vấn, có nhiều nguyên nhân khiến các chàng trai, cô gái chấp nhận sống thử. Có người lỡ làng, bị người tình phụ bạc, cảm thấy mất lòng tin vào cuộc đời và nhất là vào tình yêu. Họ có nhu cầu tìm đến với ai có khả năng đồng cảm với mình, chịu chia sẻ và không đòi hỏi bất cứ ràng buộc hôn nhân nào. Cũng có người thực dụng, muốn có điều kiện sống cao hơn mức hiện tại nên đã tìm kiến một cái “phao” với mong muốn được đảm bảo từ A đến Z.
Một nguyên nhân khác là do bất mãn với gia đình, thường là chuyện hôn nhân nên sống thử được xem như một phương pháp để tuyên chiến với gia đình. Đồng thời đây cũng là dịp để họ thỏa mãn trí tò mò, muốn biết mùi vị sống thử như thế nào... Đặc biệt, có một số người muốn khẳng định cái tôi của mình bằng cách đi ngược lại lối sống truyền thống của dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn 145 Pasteur cho biết, sống thử thường xuất hiện ở lứa tuổi 20-27, tuổi bắt đầu có sự trưởng thành, chín muồi về nhân cách, suy nghĩ, không còn non nớt trong quan hệ luyến ái. Họ có trình độ, hiểu biết vì vậy có ý thức rất rõ chuyện sống thử chứ không phải là lỡ lầm. Lứa tuổi 16-18 hầu như không có khái niệm về sống thử mà đó là quan hệ tình dục trước hôn nhân. Những bạn trẻ này thường sống lén lút, không ý thức được việc mình làm hoặc nếu có những biểu hiện sống thử thì chẳng qua đó là sự ngộ nhận, thiếu kiềm chế.
Đề cập đến các hình thức sống thử, bà Lý Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn 43 Nguyễn Thông cho biết, có rất nhiều dạng. Có người thuê nhà rồi xách vali đến ở với nhau, có người cũng thuê nhà, cũng sắm sửa mọi thứ như một gia đình nhưng cô gái chỉ ở trọn ngày với người yêu, chiều tối phải về trình diện với bố mẹ. Hay có cặp lại quy định ở với nhau vào một ngày nhất định trong tuần. Rất ít trường hợp sống thử thành thật. Còn đa phần thì hai bên chia tay lặng lẽ, phần thiệt thòi thì người phụ nữ phải gánh chịu.
Tâm trạng chung của cô gái khi tiếp xúc với các chuyên viên tư vấn thường bẽ bàng, thất vọng, cảm thấy mất mát bị lừa dối, cuộc đời vô nghĩa. Tất cả đều hối hận cho sự dại dột của mình. Còn các chàng trai họ đều tỏ ra thoải mái với mẫu câu thường gặp là: “Chính sống thử mới thấy những cái không phù hợp”. Theo bà Thương, thật ra đó chỉ là một sự ngụy biện, vì để đạt đến sự hòa hợp trong tình yêu người ta phải trải qua một quá trình tự điều chỉnh.
(Theo Tuổi Trẻ, 17/3).