Chủ nhật, 24/11/2024
Thứ năm, 24/8/2023, 06:00 (GMT+7)

Sống thấp thỏm trong nhà nứt toác ở Sài Gòn

Nền nhà sụp lún, tường nứt toác, nguy cơ sập do rung chấn khi thi công bờ kè khiến nhiều hộ dân ở quận 8 sống trong bất an.

Dự án thi công bờ ở bến Phú Định đã khiến khoảng 60 nhà dân trải dài hơn một km dọc kênh Lò Gốm qua hai phường 15 và 16 (quận 8) bị nứt, đứt gãy tường, sụp lún. Công trình thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP HCM giai đoạn 2 được khởi công từ cuối năm 2018.

Dưới chân tường nhà ông Hai cũng bị nứt tạo khoảng hở gần 10 cm. Ngoài ra, kết cấu nhà kho, gần chục nhà trọ sau nhà ông cũng bị hư hỏng. Ông Hai cho biết, đơn vị thi công cùng chính quyền có đến kiểm tra căn hộ sau đó đưa ra mức bồi thường 96 triệu đồng nhưng chủ hộ không đồng ý do quá thấp.

"Nhà tôi xây được bốn tháng thì công trình đã gẫy nứt, bây giờ gia đình phải tìm mọi cách gia cố đề phòng sập tường", chủ nhà nói.

Tại vị trí nứt, thi thoảng nhiều tảng ximăng lớn rơi xuống đất khiến các thành viên trong gia đình lo sợ.

Cách đó 100 m, gia đình anh Quang Thuận phải dán băng keo lên lớp gạch men ốp tường bị nứt tạo cạnh sắc do sợ con nhỏ chạm vào đứt tay.

Đầu năm 2022, anh Thuận bỏ ra hơn 140 triệu đồng (nhà thầu bồi thường 70 triệu đồng) xây lại bức tường bị đứt gãy, nhưng tình trạng nứt xuất hiện trở lại. "Gia đình không dám sử dụng lầu một vì vết nứt lan ra phòng ngủ, nhà tắm, ở dưới trệt cũng không an tâm", anh Thuận nói.

Đề phòng tường nứt bị sập, một hộ dân chế khung sắt chống sang nhà hàng xóm để vết nút không mở rộng thêm.

Ông Nguyễn Văn Quang, 70 tuổi, cùng vợ sống trong thấp thỏm khi toàn bộ căn nhà cấp bốn rộng khoảng 80 m2 đã bị hư hỏng kết cấu. Nhiều chỗ nứt tạo khe hở rộng gần 10 cm, uốn lượn trên tường.

Ông Quang kể, những ngày giông lốc lớn vợ chồng phải sang nhà con gái ở vì sợ tường yếu, gió thổi sập. Đầu năm 2022, gia đình được nhà thầu trả 26 triệu để sửa nhà nhưng không thể thực hiện do tiền bồi thường quá thấp.

Khi mưa xuống, nước chảy qua khe nứt tường vào phòng ngủ của nhà ông Quang. Để đảm bảo an toàn, ông đã cắt hết đường dây điện âm tường trong nhà, kéo đường dây mới bên ngoài. Bốn bức tường phòng ngủ bị bám rêu xanh vì ẩm thấp do nước thấm lâu ngày.

Không chỉ nứt tường, nền nhà ông Quang cũng bị sụp lún, gạch men lót nền bị đứt gãy.

Ông Trần Anh Nghĩa, Phó chủ tịch UBND phường 16, quận 8, cho biết trong số hộ dân bị thiệt hại, có khoảng 30 hộ đã được thỏa thuận khắc phục thiệt hại. Số hộ còn lại chưa đồng thuận với mức bồi thường.

Việc khắc phục chưa triệt để do công trình vẫn còn thi công nên khi đóng cọc có thể gây nứt tường, sụp lún trở lại. "Dự kiến đến cuối năm nay khi dự án hoàn thành, nhà thầu sẽ khắc phục xong hiện trạng cho toàn bộ nhà dân bị ảnh hưởng", ông Nghĩa nói.

Nhiều nhà dân trên đường Mễ Cốc, phường 15, dọc bờ kênh Lò Gốm cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi tường, cột, trần nhà bị nứt toác, đứt gãy.

Ông Trần Quốc Đạt, Giám đốc dự án cải thiện môi trường nước TP HCM giai đoạn 2, cho rằng nhà người dân hư hỏng có thể do ảnh hưởng rung chấn khi đóng cọc làm bệ đỡ cho kè cộng với nền đất yếu. Về nguyên tắc, nhà thầu phải chịu trách nhiệm đền bù dựa vào kết quả thẩm duyệt của cơ quan chức năng.

Đình Văn