Bà Li, 67 tuổi, bị tai nạn ôtô nghiêm trọng năm 2019. Sau hai lần phẫu thuật, chân trái bà bị cắt bỏ một phần thịt. Lưng dưới vẫn còn 12 chiếc đinh, cản trở khả năng đi lại. Nhà bà nằm trong tòa chung cư dở dang, không có điện, nước máy, thang máy không hoạt động, không có hệ thống thoát nước.
Con dâu bà Li phải mua đèn năng lượng mặt trời sạc trên ban công vào ban ngày để thắp sáng căn hộ. Họ nấu ăn bằng bếp gas mini và chuyển nước uống từ tầng dưới lên nhà hai, ba lần mỗi ngày.
Quần thể khu chung cư nhà bà Li đang sống có 13 tòa nằm "đắp chiếu" trên địa bàn thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, miền trung Trung Quốc. Hiện có hơn 300 hộ gia đình đang sống trong 4 tòa nhà xây dở.
"Ban đêm ở đây rất lạnh. Chúng tôi mặc nguyên quần áo đi ngủ", bà Li chia sẻ hôm 3/5. "Chúng tôi không yêu cầu gì nhiều, chỉ mong chính quyền giúp bố trí điện, nước".
Đa số khách hàng mua nhà từ năm 2013. Công trình ngừng thi công năm 2016 khi chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính. Năm 2018, chủ đầu tư tuyên bố phá sản và dự án bị bỏ hoang từ đó tới nay, khiến 1.200 chủ nhà không thể sở hữu căn hộ hoàn thiện.
Nhiều người đã cố gắng nhờ chính quyền giúp đỡ, trong đó có Li Ke, 33 tuổi, người đã chi khoảng 500.000 nhân dân tệ (75.600 USD) mua căn hộ 94 m2 sau khi lấy vợ. Tới nay, con gái anh đã 6 tuổi.
"Mỗi tháng chúng tôi đều lên chính quyền quận vài lần để kiến nghị", Li nói, "nhưng chúng tôi không nhận được phản hồi rõ ràng".
Hiện tại, dự án được coi là vẫn trong tình trạng xây dựng, dưới sự quản lý của toà án, quản tài viên và chủ đầu tư, nhưng người mua nhà luôn trong trạng thái thấp thỏm.
"Chúng tôi quyết định chuyển vào ở vì đơn vị quản lý hồi tháng 2 thông báo 'khi tòa án ra quyết định cuối cùng, những căn hộ này có thể không thuộc về khách đã mua nữa'", Li nói.
Anh cho hay lối vào khu chung cư đã bị chặn ba lần mà không thông báo trước. Những người mua nhà đã phá bỏ hàng rào ba lần. "Sau đó, họ chỉ thông báo cho chúng tôi là rào lại vì mục đích xây dựng nhưng chúng tôi không tin", Li cho hay.
Một số chủ nhà chuyển vào ở vì nhận định đây là cách duy nhất bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong khi nhiều người chuyển vào vì không còn khả năng thuê chỗ khác ở hay vay tiền mua nhà khác.
Qu Pingrong, 55 tuổi, đầu bếp, nghỉ việc ba tháng năm 2021 vì nhà hàng phải đóng cửa do đại dịch. Vợ ông thất nghiệp suốt 5 tháng. "Chủ nhà tăng tiền thuê gần 24%, lên tới 2.100 tệ (317 USD) một tháng. Chúng tôi không trả nổi vì vẫn đang nợ 200.000 tệ (30.240 USD)", Qu nói.
Ông chọn mua căn hộ ở đây vì có thể đứng từ cửa sổ ngắm ngôi làng nơi ông đã lớn lên và bố mẹ vẫn sống ở đó. Tuy nhiên, giấc mơ ngày nào giờ trở thành cơn ác mộng.
Theo một cuộc khảo sát do Tencent tiến hành năm nay, hơn 45% người mua nhà ở Trung Quốc đại lục đối mặt tình trạng chung cư không hoàn thiện đúng theo thời hạn đã cam kết.
Wang Yucheng, luật sư ở Bắc Kinh chuyên về bất động sản, cho hay số lượng tòa nhà đang xây dở thì bị ngừng thi công có thể tăng trong ngắn hạn, do dịch bệnh và suy thoái trong thị trường bất động sản đầy biến động của Trung Quốc.
Theo Wang, chuyển tới ở trong các tòa nhà xây dở có thể giúp bảo vệ quyền lợi của người mua trong trường hợp tòa án ra phán quyết tịch thu tài sản, nhưng "rất khó để xác định ai là người chịu trách nhiệm trong trường hợp phát sinh sự cố như hỏa hoạn".
Tuy nhiên, "bất kể là nguyên nhân nào gây sự cố, chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm gián tiếp", Wang nói.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)