"Một mảng rộng 0,64 km2 ở sườn tây nam núi lửa Anak Krakatau đổ sụp xuống biển và gây lở đất dưới biển. Điều này kích hoạt sóng thần, sau đó kết hợp với triều cường tạo ra những cơn sóng cao tới 3 mét đánh vào bờ biển đảo Java và Sumatra", Reuters dẫn lời Dwikorita Karnawati, người đứng đầu Cơ quan Khí tượng Indonesia, hôm nay cho biết.
Trận sóng thần tràn vào các bãi biển ở khu vực Pandeglang, Serang và Nam Lampung thuộc eo biển Sunda tối 22/12, khiến ít nhất 281 người thiệt mạng, 1.016 người bị thương và 57 người đang mất tích. Người dân sống ven biển khẳng định không nhìn thấy hoặc cảm nhận được dấu hiệu cảnh báo thảm họa đang đến như động đất hay nước rút dọc bờ biển.
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra thêm sóng thần ở eo biển Sunda vẫn rất cao khi núi lửa Anak Krakatau trở nên bất ổn sau đợt phun trào mạnh.
Lực lượng cứu hộ đang dùng máy xúc và nhiều thiết bị cơ giới để đào bới những đống đổ nát trong điều kiện mưa lớn. Họ phải chạy đua với thời gian để tìm người sống sót trước khi quá muộn. Hơn 12.000 người cũng được sơ tán khỏi khu vực bị ảnh hưởng trên đảo Java và Sumatra.
Anak Krakatau (Con của Krakatao) là một trong 127 núi lửa hoạt động ở Indonesia, xuất hiện từ tàn tích của núi lửa Krakatoa và nổi lên khỏi mặt biển từ năm 1928. Núi cao khoảng 305 m, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển phía tây đảo Java 80 km và bắt đầu hoạt động hồi tháng 6.