Video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy sóng thần xuất hiện ở Vịnh Tokomaru, phía bắc thành phố Gisborne, New Zealand hôm nay. Chile cũng cho biết nước này có thể đã trải qua một trận sóng thần nhỏ.
Theo Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương, những con sóng nhỏ ban đầu cũng được ghi nhận ở vương quốc Tonga.
Những đợt sóng thần nhỏ được dự báo cũng có thể đến Nhật Bản, Nga, Mexico và bờ biển Nam Mỹ.
Hàng nghìn người trên bờ biển phía đông của Đảo Bắc, New Zealand đã sơ tán đến vùng đất cao hơn sau trận động đất thứ ba trong vòng chưa đầy 8 giờ. Công nhân, sinh viên và cư dân ở các khu vực như Northland và Bay of Plenty được quan chức phòng vệ dân sự hỗ trợ khi giới chức cảnh báo sóng thần có thể cao hơn mực nước triều ba mét.
"Không được ở nhà", Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Quốc gia (NEMA) cho biết. "Những người ở gần bờ biển phải di chuyển ngay lập tức đến vùng đất cao gần nhất, đến tất cả khu vực sơ tán sóng thần, hoặc vào càng sâu đất liền càng tốt".
Một người dân ở thành phố Auckland, New Zealand chia sẻ bức ảnh cho thấy mực nước đặc biệt thấp tại cảng Kaipara. "Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy đất lộ ra thế này ở cảng Kaipara", Rachel Cunlife cho hay.
Trận động đất mới nhất mạnh 8,1 độ ở quần đảo Kermadec, phía đông bắc Đảo Bắc của New Zealand, xảy ra ngay sau trận động đất mạnh 7,4 độ ở cùng khu vực. Trước đó, một trận động đất 7,2 độ cũng được ghi nhận cách Đảo Bắc khoảng 900 km về phía đông.
Còi cảnh báo vang lên khắp Noumea, thủ phủ vùng lãnh thổ hải ngoại New Caledonia của Pháp, khi giới chức ra lệnh sơ tán trong bối cảnh lo ngại những con sóng cao tới ba mét đang hướng tới.
"Mọi người phải rời khỏi các khu vực bãi biển, ngừng mọi hoạt động dưới nước và không nên đón con ở trường để tránh gây tắc đường", phát ngôn viên cơ quan dịch vụ khẩn cấp Alexandre Rosignol nói với đài phát thanh công cộng.
Giới chuyên gia cho biết đây là loạt động đất mạnh bất thường, ngay cả đối với "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi va chạm các mảng kiến tạo của Trái Đất. Theo NEMA, vị trí xảy ra động đất ở xa, nhưng không giảm thiểu tác động tiềm tàng.
"Trận động đất có thể không được cảm nhận ở một số khu vực, nhưng nên sơ tán ngay lập tức vì có thể xảy ra sóng thần gây thiệt hại", cơ quan này cho hay.
Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương cho biết Vanuatu và New Caledonia có khả năng hứng chịu những đợt sóng lớn nhất, đo được tới 3 mét. "Dựa trên tất cả dữ liệu có sẵn, sóng thần nguy hiểm được dự báo cho một số bờ biển", trung tâm cho hay.
New Zealand thường xuyên trải qua các hoạt động địa chấn và núi lửa, nhưng Bộ trưởng Dịch vụ Khẩn cấp Kiri Allan cho biết bà chưa từng chứng kiến chuỗi động đất mạnh như vậy. "Đây là buổi sáng khác thường đối với nhiều người New Zealand trên khắp đất nước. Họ dậy từ 2h30, lo lắng cho nhà cửa và gia đình", bà nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Kiri Allan nói các dấu hiệu ban đầu cho thấy hệ thống cảnh báo của New Zealand đã hoạt động hiệu quả. "Có vẻ như mọi người hiểu rất rõ những gì họ cần làm", ông nói.
Khoảng 13h30 (7h30 giờ Hà Nội), giới chức New Zealand dỡ lệnh sơ tán do nguy cơ sóng thần đã qua. Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại hoặc thương vong.
Quốc gia Nam Thái Bình Dương này vừa kỷ niệm 10 năm trận động đất mạnh 6,3 độ khiến 185 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương ở thành phố Christchurch ngày 22/2/2011.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters, Guardian)