Nhà máy điện hạt nhân vận hành dọc biển Arab bao gồm Tarapur (1.400 MW) ở bang Maharashtra, Ấn Độ, Kaiga (đang mở rộng lên 2.200 MW) ở bang Karnataka và Karachi của Pakistan. Một nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn sắp hoàn thành ở Jaitapur, Maharashtra, sẽ sản xuất 9.900 MW. Các nhà máy điện hạt nhân nằm dọc bờ biển do nguồn nước biển rẻ và thuận tiện có thể đáp ứng nhu cầu làm mát.
"Động đất cấp 9 có khả năng xảy ra ở đới hút chìm Makran kéo theo sóng thần dâng cao", C.P. Rajendran, nhà địa chất học ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Trái Đất thuộc Viện Khoa học Ấn Độ, cho biết trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Pure and Applied Geophysics số tháng 9. "Toàn bộ khu vực phía bắc biển Arab với nhiều cơ sở trọng yếu, bao gồm các nhà máy điện hạt nhân, cần cân nhắc mối nguy hiểm này".
Rajendran và cộng sự tiến hành nghiên cứu sau khi nhận thấy so với vùng ven biển phía đông Ấn Độ, nguy cơ sóng thần ở bờ tây chưa được xác định rõ. Năm 1945, một trận động đất 8,1 độ từng xảy ra ở đới hút chìm Makran. Nghiên cứu của họ dựa vào báo cáo về chấn động mạnh ở ven biển phía tây Ấn Độ năm 1524 do đội thuyền Bồ Đào Nha ở ngoài khơi Dabhol và vịnh Cambay ghi chép. Nhóm nghiên cứu còn kết hợp bằng chứng địa chất và phương pháp dùng phóng xạ carbon để tính niên đại vỏ sò bị cuốn vào đất liền được lưu giữ ở tổ hợp đụn cát tại làng Kelshi gần Dabhol. Mô hình do nhóm nghiên cứu thiết lập cho thấy tác động mạnh ở Kelshi có nguồn gốc từ Makran.
Trận siêu sóng thần ở đới hút chìm Makran trong tương lại không chỉ tàn phá vùng ven biển Iran, Pakistan và Oman mà cả bờ biển phía tây Ấn Độ, theo Rajendran. Ngoài Makran, nhóm nghiên cứu không phát hiện nguồn động đất ngoài khơi nào khác trên biển Arab.
Các nghiên cứu trước đó như nghiên cứu công bố năm 2013 trên tạp chí Geophysical Research Letters, chỉ ra sóng thần lớn cỡ thảm họa năm 2004 ở Sumatra, có thể xảy ra ở đới hút chìm Makran, nơi mảng kiến tạo Arab chìm xuống bên dưới mảng kiến tạo Âu Á với tốc độ khoảng gần 4 cm mỗi năm. Những nghiên cứu như vậy đóng vai trò như cảnh báo về rủi ro và chi phí khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi địa chấn. "Một thập kỷ sau thảm họa năm 2011 ở Fukushima, quận này vẫn là điểm nóng về phóng xạ và chi phí dọn dẹp ước tính vào khoảng 20 - 600 tỷ USD", Rajendran nói.
An Khang (Theo SciDev)