Cuốn Sóng thần công nghệ: Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ 21 do NXB Thế giới phát hành bản dịch vào tháng 3, được trao giải Sách Hay 2024 ở hạng mục tác phẩm dịch chủ đề Quản trị. Sách có tên tiếng Anh The Coming Wave: Technology, Power, and the Twenty-first Century's Greatest Dilemma, là công trình nghiên cứu của chuyên gia người Anh Mustafa Suleyman với sự hỗ trợ của nhà văn - nhà nghiên cứu Michael Bhaskar, xuất bản lần đầu năm 2023.
Suleyman, 40 tuổi, là nhà sáng lập phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo DeepMind và công ty khởi nghiệp Inflection AI. Bằng nhiều năm kinh nghiệm, tác giả ra mắt tác phẩm như lời cảnh báo về những nguy hiểm tiềm tàng khi các tiến bộ khoa học như AI, sinh học tổng hợp dần phổ biến nhưng không có sự quản lý tương xứng.
Dù vậy, ông thừa nhận sức hấp dẫn của trí tuệ nhân tạo khi tuyên bố công nghệ này sẽ "mở ra một bình minh mới cho nhân loại", cho rằng tiềm lực của AI không chỉ hứa hẹn đem lại sự thịnh vượng chưa từng có, còn là giải pháp cho nhiều vấn đề nan giải hiện nay như đối phó biến đổi khí hậu, chữa trị ung thư.
Trong sách, tác giả cũng đề cập hàng loạt đột phá khác gồm chỉnh sửa gen, tổng hợp DNA và nhiều sự tiến bộ khác trong công nghệ sinh học. Chuyên gia so sánh tất cả như một con sóng ngoài khơi xa, tuy vẫn nằm ngoài tầm mắt của con người nhưng một khi đến bờ, đó sẽ là một cơn sóng thần mạnh mẽ có khả năng định hình mọi khía cạnh xã hội.
Với góc nhìn bao quát, Mustafa Suleyman vẽ ra một tương lai đầy triển vọng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều điều đáng sợ có thể hủy diệt nhân loại trong thoáng chốc. Theo tác giả, nếu cuốn sách này tạo cảm giác mâu thuẫn về thái độ của con người đối với công nghệ, vừa tích cực vừa e ngại, thì đó là bởi chỉ có cái nhìn mâu thuẫn như vậy mới phản ánh chân thực nhất tình hình hiện tại.
Tác giả nhận định vấn đề khi các "làn sóng" ập tới, con người chưa chuẩn bị tốt và có rất ít thời gian. Nền công nghệ đang phát triển với tốc độ không thể lường trước nhưng song song với đó là sự gia tăng mâu thuẫn giữa các quốc gia, chủ nghĩa cực đoan, xung đột tôn giáo. Ông đặt câu hỏi sẽ ra sao nếu sự phổ biến của các kỹ thuật này rơi vào tay kẻ xấu?
Lo lắng của Suleyman bắt nguồn từ dự đoán công nghệ có xu hướng rẻ hơn và dễ sử dụng hơn. Thậm chí, khi những mã nguồn được công khai, bất kỳ ai cũng có thể truy cập, thử nghiệm, chỉnh sửa, phát triển chúng cho mục đích riêng. Họ có thể tung ra các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, thiết kế mầm bệnh virus gây đại dịch, hoặc làm dấy lên làn sóng sai lệch thông tin.
Theo Suleyman, giá của giải trình tự gen đã giảm mạnh trong những năm gần đây trong khi hiệu suất của kỹ thuật chỉnh sửa gen được cải thiện rất nhiều. Do đó, tác giả lo sợ việc thao túng bộ gen của con người sẽ đem lại cám dỗ rất lớn.
Nhưng sự đột biến không phải là nỗi kinh hoàng duy nhất đang chờ đợi con người. Ông tưởng tượng một loại virus do AI thiết kế và chế tạo bởi công nghệ sinh học tổng hợp có thể "gây ra hơn một tỷ ca tử vong chỉ trong vài tháng". Cuối cùng, khoa học vừa giúp chúng ta chữa khỏi một căn bệnh, vừa có thể gây ra một căn bệnh khác có sức mạnh hủy diệt.
Bất chấp rủi ro, Suleyman cho rằng các quốc gia sẽ không ngừng cải tiến lĩnh vực khoa học kỹ thuật vì lợi ích kinh tế. Để ngăn chặn thảm họa trên, tác giả đề xuất ý tưởng xây dựng hàng rào pháp lý kiểm soát các công nghệ tiên tiến. Nhà nghiên cứu cho rằng những ngành tinh vi như AI, cải tạo gen nên được phát triển bởi các công ty có trách nhiệm, đồng thời có sự quản lý và đánh giá của bên thứ ba. Tuy nhiên, ngay cả tác giả cũng không chắc liệu nhân loại hiện nay có thể kiểm soát tốt làn sóng này trong khi tốc độ phát triển luôn quá nhanh so với hệ thống pháp luật.
Ngoài gợi ý về chính sách, mục tiêu của Suleyman là giúp độc giả đặt ra những câu hỏi đúng về tương lai. Thay vì ở thế bị động và bị cuốn bởi các làn sóng, con người có thể chung tay tìm ra giải pháp.
Sóng thần công nghệ nhận nhiều lời khen từ giới chuyên gia. Daniel Kahneman, tác giả của Tư duy nhanh và chậm, nhận xét quyển sách như một "lời cảnh tỉnh sống động, cẩn thận phác thảo những cơ hội và nguy cơ liên quan đến các tiến bộ khoa học quan trọng trong những năm gần đây".
Sách còn nằm trong danh sách gợi ý bốn tác phẩm nên đọc dịp cuối năm của tỷ phú Bill Gates. "Điều làm cho cuốn sách này trở nên đặc biệt không chỉ là trải nghiệm trực tiếp của Mustafa mà còn là sự hiểu biết sâu sắc của tác giả về lịch sử khoa học và cách các cuộc cách mạng công nghệ diễn ra", tỷ phú Mỹ cho biết.
Ngạn Bình