9h10 ngày 3/5, sau khi nghe tiếng kêu cứu phát ra từ dưới vực, cán bộ Ban Quản lý khu di tích vườn quốc gia Yên Tử đã tìm kiếm, cứu được bà Liên.
Bà Liên kể, ngày 27/4, bà một mình bắt xe từ Hà Nội xuống Hạ Long để lấy thuốc, sau đó lên Yên Tử, lễ Phật tại chùa Đồng. Đây cũng là lần đầu bà đi Yên Tử. Khi đi xuống, bà bị tụt huyết áp nên ngồi nghỉ gần lan can chùa. Lúc đứng lên đi tiếp, bà bị choáng và ngã xuống vực sâu khoảng 30 m.
Kêu cứu nhưng không ai nghe thấy, điện thoại rơi mất trong lúc ngã, bà Liên tìm cách trèo lên nhưng lại bị rơi xuống đoạn nữa. Do mặc áo mưa, lại có cây đỡ nên bà không bị thương.
Để cầm cự, bà ăn bánh gạo và cơm cháy có sẵn trong túi đồ mang theo, mỗi ngày chỉ bẻ một miếng nhỏ ăn. Ngoài ra, bà ăn lá cây dương xỉ ở xung quanh, nước thì bới trong rác và những chai nước bị du khách vứt xuống.
"Những chai nước còn thừa bị vứt xuống vực thì tôi dồn vào một chai sạch để uống. Trời tối thì tôi ngồi sát sườn núi để nghỉ, sáng thì chú ý nghe ngóng xem có ai ở phía trên hay không", bà Liên kể lại.
Đến sáng 3/5, nghe thấy có tiếng người nói chuyện ở phía trên, bà Liên kêu cứu và được cứu sống.
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết lúc được cứu, bà Liên đã mệt lả vì nhiều ngày thiếu thức ăn, nước uống. Bà vẫn giữ vé cáp treo và vé vãn cảnh Yên Tử từ ngày 27/4, tuy nhiên đã bị ướt.
"Nạn nhân được cõng xuống núi chăm sóc, hiện tại sức khỏe đã ổn định. Ban Quản lý di tích đã bố trí xe đưa bà Liên về nhà ở Hà Nội. Suốt bảy ngày qua, gia đình đã tìm kiếm bà khắp nơi", ông Dũng cho biết.
Chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068 m), được khởi dựng từ thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự; năm 2007 chùa mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất. Khu vực bà Liên gặp nạn là vực sâu, cách đỉnh chùa Đồng khoảng 50 m, thường có gió to, mây mù.