Hùng, 22 tuổi, quê ở Bà Rịa Vũng Tàu, là một thanh niên yêu thể dục thể thao. Vào tháng 1/2021, sau một buổi tập, anh phát hiện háng phải ửng đỏ kèm đau. Nghĩ mình bị rách cơ, Hùng mua thuốc giảm đau và kháng viêm về uống thấy đỡ, nhưng một tháng sau, một cục nhọt to trồi lên ở háng phải.
Sau khi khám tại cơ sở y tế tuyến tỉnh và trung ương, chàng trai nhận chẩn đoán ung thư hạch bạch huyết thể hiếm, giai đoạn cuối. Tại Việt Nam, ung thư hạch là một trong 10 bệnh ung thư phổ biến nhất, tỷ lệ mắc là 5,2/100.000 dân, gặp ở nam nhiều hơn nữ. Năm 2018, nước ta có hơn 3.500 trường hợp mới mắc và hơn 2.100 người tử vong.
Sau 4 chu kỳ truyền hóa chất, Hùng được ghép tủy, lấy tế bào gốc tạo máu. Tuy nhiên, khối u ác tính vẫn tiến triển, chàng trai bị biến chứng suy tim, viêm phổi nặng, tiên lượng chỉ sống được ba tháng.
Tháng 11/2021, Hùng nhập Bệnh viện đa khoa Vinmec trong tình trạng chân tay liệt, miệng thở oxy, cơ thể suy kiệt đến mức không thể giao tiếp. Sau khi xem bệnh án, bác sĩ Phan Trúc nói với gia đình Hùng cần đưa anh ra ngoài, chỉ để người thân ở lại nói chuyện.
Thời điểm đó, linh cảm có chuyện chẳng lành, Hùng gắng gượng nói với mẹ: "Con không chữa nữa, cho con về nhà". Người mẹ cố kìm nước mắt, xoa đầu con động viên cả gia đình sẽ cùng với chàng trai chiến đấu với căn bệnh đến giây cuối cùng.
Theo bác sĩ Trúc, khối u đã xâm nhiễm nhiều bộ phận cơ thể, đặc biệt di căn sọ não nghiêm trọng, chẩn đoán ung thư hạch ác tính xâm lấn thần hệ kinh trung ương.
"Một khi đã di căn vào hệ thần kinh trung ương thì vô cùng khó điều trị. Lý do là não được bọc kín bởi hàng rào máu não, ngăn cách khu vực này với các phần khác trong cơ thể. Do đó, gần như không có thuốc nào có khả năng xuyên qua", ông Trúc nói.
Cảm nhận thời gian sống không còn nhiều, Hùng suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần. Anh thường xuyên mất kiểm soát tâm trạng, chìm trong đau khổ, sợ hãi và tuyệt vọng khi nghĩ về cái chết. Nhiều lúc chàng trai buông xuôi, không nuốt nổi thìa cháo người mẹ chăm bón.
"Mình đã cố mạnh mẽ nhưng không thể. Thực sự mình còn quá trẻ với bao ước mơ, dự định phía trước", Hùng tâm sự. Những phút giây chàng trai yếu đuối, cũng là lúc người mẹ suy sụp theo.
"Nhìn thấy mẹ ngồi khóc bên giường bệnh, tôi bỗng nhận ra bản thân đã làm mẹ khổ quá nhiều. Nếu tôi từ giã cuộc đời này, ai sẽ ở bên cạnh mẹ đây", Hùng nói và cho biết thêm, ý nghĩ đó đã giúp anh cố gắng ăn hết bát cháo mẹ đút, "bằng mọi giá phải khỏe để chiến thắng bệnh tật".
Đối với các bệnh nhân ung thư, ngoài phác đồ điều trị, tinh thần cũng là một vũ khí quan trọng giúp họ vượt khó. Các nghiên cứu cho thấy, hơn một nửa số ca bệnh có thể mắc các chứng rối loạn tâm thần. Trong đó, tỷ lệ tự tử ở người mắc ung thư cao hơn 85% so với dân số chung. Những bệnh tiên lượng xấu nhất như ung thư dạ dày và tuyến tụy có tỷ lệ tự tử cao nhất.
Theo bác sĩ Trúc, nhiều khi khối u không giết chết người bệnh mà chính tư tưởng đang mang bệnh mới thực sự làm suy kiệt nạn nhân. "Trong cuộc chiến này, sự lạc quan, nỗ lực của bệnh nhân là yếu tố quan trọng để quá trình điều trị có thể dễ dàng, thuận lợi hơn", ông Trúc nói.
Đầu năm ngoái, ê kíp đã tìm ra loại thuốc có thể lọt qua hệ thần kinh trung ương - là phương án cuối cùng có thể cứu mạng Hùng. Đó là loại thuốc uống, vốn được sử dụng trong điều trị ung thư phổi, có khả năng thấm qua hàng rào não, được cho là tương thích với người bệnh.
Ê kíp hội chẩn, cho bệnh nhân dùng thuốc qua đường uống. 10 ngày sau, sức khỏe Hùng cải thiện rõ rệt, không còn yếu cơ, chân tay liệt, suy kiệt. Ba tháng sau, khối u trong não bệnh nhân tiêu biến, được các bác sĩ coi là "kỳ tích".
"Thông thường, khi điều trị bệnh nhân ung thư ác tính, nếu dùng thuốc này thua thì sẽ chọn thuốc khác mạnh hơn. Thuốc khác này không được sẽ tìm thuốc mạnh hơn nữa. Nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại. Quan trọng nhất là phải tìm ra đúng hướng điều trị. Ngoài ra, tinh thần tốt, sức khỏe tốt, đồng nghĩa việc điều trị sẽ thuận lợi hơn", bác sĩ Trúc nói.
Hiện, Hùng đã trở lại cuộc sống bình thường. Ngoài công việc, anh còn tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ các nhóm bệnh nhân ung thư trên mạng. Chàng trai thường xuyên chia sẻ những điều tích cực với người bệnh ung thư, giúp họ giảm lo âu, trầm cảm, có động lực chiến đấu bệnh tật.
"Còn sống là còn hy vọng đến giây cuối cùng, đó là bài học rút ra từ người trở về từ cửa tử. Tôi muốn lan tỏa điều này đến tất cả người cùng cảnh ngộ", Hùng chia sẻ.
Thúy Quỳnh
* Tên bệnh nhân được thay đổi