Câu hỏi này được nhà xã hội học người Đức Georg Simmel đặt ra đầu tiên vào năm 1903. Khi đó, ngày càng nhiều người từ bỏ nông thôn, bỏ nghề nông để chạy theo nhịp sống công nghiệp hóa tại các đô thị lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu. Cùng với sự thay đổi này là mối lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe tinh thần trong môi trường sống mới.
Tại Mỹ, từ thế kỷ 19, các nhà thần kinh học như George Miller Beard và Silas Weir Mitchell đã cảnh báo về "hội chứng suy nhược thần kinh" do áp lực từ đời sống đô thị.
Họ cho rằng tiếng chuông điện thoại, điện tín gián đoạn, giao thông hỗn loạn và sự đông đúc khiến hệ thần kinh của con người quá tải.
Không dừng lại ở lý thuyết, vào thập niên 1920, các nhà khoa học xã hội tại Đại học Chicago, Mỹ, nghiên cứu mối liên hệ giữa đô thị và sức khỏe tinh thần. Họ phát hiện bệnh tâm thần phân liệt có tỷ lệ cao tại các khu ổ chuột gần trung tâm Chicago, nơi cuộc sống hỗn loạn, nghèo đói và bất ổn.
Điều này làm dấy lên câu hỏi lớn: Phải chăng nhịp sống thành phố là gốc rễ của bệnh tâm thần?

Ảnh minh họa: AI
Hai nghiên cứu quy mô về chủ đề này đã được thực hiện sau Thế chiến 2.
Nghiên cứu đầu tiên diễn ra tại Manhattan, New York. Tại khu Upper East Side (khu nhà giàu) các chuyên gia ghi nhận 18,5% người dân có sức khỏe tinh thần tốt. Khoảng 25% bị suy giảm chức năng nghiêm trọng vì vấn đề tâm lý.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác ở môi trường trái ngược, một vùng nông thôn Nova Scotia, Canada, cho thấy kết quả tương tự. Đây là nghiên cứu do Alexander Leighton bác sĩ tâm thần xã hội học người Mỹ thực hiện tại một cộng đồng đánh bắt cá, làm nông và khai thác gỗ. Kết quả cho thấy tỷ lệ rối loạn tâm thần ở đây không thấp hơn Manhattan.
Các nhà nghiên cứu nhận định vấn đề không nằm ở nông thôn hay thành thị, mà ở những yếu tố nền tảng như nghèo đói, bất bình đẳng, cô lập xã hội và sự tan rã của cộng đồng. Nói cách khác, các bệnh tâm lý, sức khỏe tinh thần không phân biệt thành thị hay nông thôn.
Khi nhóm nghiên cứu quay lại đánh giá một khu vực nghèo nhất của Nova Scotia sau một thập kỷ, họ nhận thấy sức khỏe tinh thần đã cải thiện rõ. Nguyên nhân có thể đến từ chương trình giáo dục người lớn, hợp nhất trường học, nhưng cũng không thể bỏ qua yếu tố kinh tế như có thêm việc làm mới, người dân thoát nghèo.
Tuy vậy, trong khi những nhà nghiên cứu như Alexander Leighton tập trung vào các giải pháp giáo dục và kết nối xã hội, thì các chính sách thời đó lại không ưu tiên cải thiện điều kiện vật chất trực tiếp. Đây được xem là một trong những hạn chế của ngành tâm thần học xã hội khi đó.
Đến thập niên 1970 và 1980, tâm thần học dần chuyển hướng sang các lý thuyết thần kinh và di truyền, điều trị bằng thuốc. Những nghiên cứu về yếu tố xã hội bị lãng quên dần. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi tỷ lệ mắc bệnh tâm thần ngày càng tăng, các nghiên cứu cũ càng có giá trị tham khảo.
Georg Simmel từng viết, thành phố có thể khiến người ta xa cách, cô lập, nhưng cũng có thể là nơi giải phóng, nơi bạn có thể thoát khỏi áp lực từ những cộng đồng quá ít sự riêng tư.
Như vậy, dù là thị dân hay người nhà quê sức khỏe tinh thần của bạn không quyết định bởi địa điểm, mà bởi môi trường xã hội bạn đang sống – liệu nó có giúp bạn kết nối, có cơ hội phát triển, và được hỗ trợ khi cần hay không.
Nhật Minh (Theo Psychology Today)