Thứ hai, 27/7/2020, 00:36 (GMT+7)

'Sóng ngầm' ở Facebook

"Tôi nghĩ rằng Facebook đang làm tổn thương các nhân viên của mình", kỹ sư Max Wang viết trong ghi chú kèm video gần 20 phút đăng trên YouTube.

Wang làm việc cho Facebook từ 2013. Ngày 1/7/2020, anh chính thức nghỉ việc. Hầu hết nhân viên Facebook đều chọn cách đăng một bức ảnh chụp với logo công ty trước khi chia tay các đồng nghiệp. Nhưng Wang đã không làm thế. Anh để lại một đoạn video nói về những gì mình đã trải qua.

Max Wang, người vừa nghỉ việc tại Facebook. Ảnh: Max Wang/YouTube.

Nội dung đoạn video của Wang được xem là sự chắt lọc của nhiều tháng xung đột nội bộ, sự phản đối của các nhân viên và không ít quyết định rời khỏi Facebook sau khi mạng xã hội này làm ngơ trước các bài viết mang tính bạo lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thông điệp của Wang không đại diện cho nhân viên Facebook, nhưng có thể xem là cảm xúc của không ít nhân viên đang làm việc tại một môi trường đáng mơ ước.

Trong video, Wang đã kể về những gì mình trải qua ở Facebook, đặc biệt đề cập đến nhiều tháng xung đột nội bộ gần đây, cũng như làn sóng phản đối của các đồng nghiệp trước những quyết định ưu tiên nội dung chính trị.

"Chúng tôi đang thất bại", Wang nói. "Lãnh đạo Facebook đang phục vụ các mục đích chính trị mà quên rằng việc này sẽ tổn hại tới thế giới thực. Chúng tôi thấy được thất bại đó ngay trong chính sách của tập đoàn".

Những năm qua, các chỉ trích nhằm vào Facebook chủ yếu đến từ bên ngoài. Toàn bộ nền tảng (Facebook, Instagram, Whatsapp) với hơn 3 tỷ người dùng vẫn vượt qua được rất nhiều bê bối, như can thiệp bầu cử Nga, Cambridge Analytica hay vấn đề diệt chủng ở Myanmar. Bằng chứng là trong ba năm rưỡi, giá cổ phiếu Facebook liên tục tăng. Công ty vẫn tuyển dụng, giữ chân các vị trí lãnh đạo hàng đầu. Dù thỉnh thoảng vẫn có các cuộc "dọn rác" nội bộ, nhân viên Facebook vẫn tự hào vì công ty hoạt động tốt, mang nhiều lợi ích hơn là có hại. Họ cũng ít khi lên tiếng công khai trước những bất bình nội bộ ra bên ngoài.

"Lần này, câu trả lời của chúng tôi khác", kỹ sư Dan Abramov viết trên Workplace, nền tảng truyền thông nội bộ của Facebook, hôm 26/6. "Tôi đã dành thời gian trong kỳ nghỉ suy nghĩ lại mọi vấn đề, nhưng vẫn không thể xua tan được cảm giác rằng lãnh đạo công ty đã phản bội lòng tin của tôi và đồng nghiệp dành cho họ".

Ý kiến của Wang và Abramov cho thấy cách Facebook xử lý các bài viết gây chia rẽ của Tổng thống tạo nên những bất bình trong đội ngũ nhân viên, dẫn đến cuộc khủng hoảng niềm tin vào lãnh đạo.

Một góc trong trụ sở Facebook ở Thung lũng Silicon. Ảnh: Josh Edelson.

Mâu thuẫn nội bộ

Theo những tài liệu BuzzFeed thu thập được từ thảo luận của những người làm việc tại Facebook, những người đã nghỉ việc, kết quả khảo sát nhân viên và cả những bản ghi âm lời nói của Mark Zuckerberg, mạng xã hội này đã rất chậm chạp trong việc xử lý các thông tin "nhạy cảm", như gỡ quảng cáo phân biệt chủng tộc, mâu thuẫn chính trị và các nội dung phản cảm mà nhân viên báo cáo lên. Trong một bản ghi âm cuộc họp nội bộ, Mark Zuckerberg thậm chí còn bị buộc tội lừa dối nhân viên của mình một cách công khai.

Thất vọng và tức giận là cảm giác của hầu hết nhân viên Facebook hiện tại. Họ thách thức Zuckerberg và ban lãnh đạo trong các cuộc họp toàn công ty bằng cách tổ chức các cuộc tuần hành ảo và chất vấn liệu công việc họ đang làm có làm cho thế giới tốt đẹp hơn không. Tình trạng hỗn loạn đến nỗi CEO Facebook gần đây dọa sẽ sa thải tất cả những người chống đối.

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, nhất cử nhất động của Facebook sẽ bị phân tích. Mạng xã hội này đối mặt với những bất đồng nội bộ chưa từng thấy bởi nhân viên của họ lo rằng công ty đang thận trọng hoặc vô tình ảnh hưởng đến các quyết định liên quan đến Trump, và rằng Facebook sẽ phá hoại nền dân chủ.

Yaël Eisenstat, cựu trưởng nhóm quảng cáo bầu cử của Facebook, nói rằng nỗi lo của nhân viên ở đây phản ánh những gì mà cô đã trải qua. Cô tin rằng, công ty đang trên con đường nguy hiểm.

"Những bước đi của Facebook đều dẫn đến một tình huống, là tháng 11 tới đây, một bộ phận người dùng sẽ không tin vào kết quả của cuộc bầu cử vì họ đã bị 'dội bom' quá nhiều bởi những thông tin trên Facebook", cô nói.

Nhóm chính sách của Facebook ở Washington, chỉ huy bởi Joel Kaplan, đã tìm cách ảnh hưởng quá mức tới những quyết định của nhóm cô. Thất bại gần đây của công ty trong việc hành động về các bài đăng của Trump cho thấy các nhân viên có quyền chán và lo lắng.

"Những ví dụ rõ ràng này không chỉ làm tôi khó chịu mà còn khiến những nhân viên Facebook khác thấy phiền lòng. Họ còn khiến cộng đồng dân quyền, các nhà quảng cáo khó chịu. Nếu bạn tiếp tục từ chối lắng nghe từ những người này, bạn đang chứng minh là quyết định của mình bị chi phối bởi tiếng nói khác", cô nói.

Trong một tuyên bố, đại diện Facebook cho biết, công ty có quy trình chính sách nghiêm ngặt, minh bạch với nhân viên về cách đưa ra quyết định. "Quyết định về nội dung của Facebook được thực hiện dựa trên chính sách đồng đều và tốt nhất của chúng tôi. Sẽ luôn có trường hợp nhiều nhóm người dùng, thậm chí các nhân viên, cho rằng những quyết định này không nhất quán. Đấy là điều tự nhiên. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi áp dụng một quy trình nghiêm ngặt, vừa tham khảo ý kiến các chuyên gia bên ngoài khi áp dụng các chính sách mới, vừa lắng nghe phản hồi từ các nhân viên. Điều này cũng giải thích tại sao chúng tôi có một ban giám sát độc lập để phản hồi về các quyết định chính sách nội dung trên Facebook", người phát ngôn giải thích.

Trong một ghi chú của mình, Abramov, người đã làm việc tại Facebook được bốn năm, đã so sánh công ty với "nhà máy điện hạt nhân". Facebook không giống các nguồn thông tin truyền thống, nó có thể tạo ra năng lượng xã hội ở quy mô chưa từng thấy. "Chỉ cần sai một chi tiết nhỏ sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại", anh viết. "Truyền thông xã hội có đủ sức mạnh để làm hỏng kết cấu xã hội của chúng ta. Nếu bạn nghĩ tôi quá lời, bạn hẳn đã không để ý rồi".

"Không làm gì là không thể chấp nhận được"

Ngày 28/5, hàng loạt cuộc biểu tình chống lại các hành động bạo lực của cảnh sát đã nổ ra ở thành phố Minneapolis và nhiều nơi trên nước Mỹ. Trump tweet về thông tin này trên Twitter, sau đó đăng chéo nội dung qua tài khoản Facebook - nơi có hơn 114 triệu người theo dõi.

Chỉ trong vòng vài giờ, các tweet của Trump bị Twitter dán nhãn bạo lực, nhưng Facebook thì không. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đã cho rằng những gì Tổng thống viết không vi phạm điều khoản người dùng.

Khi giải thích quyết định này vào ngày hôm sau, Zuckerberg nói rằng ông cũng có "phản ứng không tốt" với bài đăng của Tổng thống. Nhưng chính sách của Facebook cho phép "thảo luận về việc sử dụng vũ lực của chính phủ". Hơn nữa, ông lập luận, trong ngữ cảnh của câu này, có thể hiểu là Tổng thống chỉ đơn giản cảnh báo rằng cướp bóc có thể dẫn đến bạo lực.

Nhân viên Facebook đã nổi dậy. Trong một nhóm 10,000 nhân viên trên Workplace có tên "Let's Fix Facebook" (Hãy cùng sửa Facebook), một cuộc thăm dò ý kiến đã được lập ra với nội dung: Bạn có đồng ý với quyết định của Ban lãnh đạo không. Khoảng 1.000 câu trả lời là công ty đã sai, trong khi lựa chọn "Không chắc" có số phiếu cao gấp 20 lần.

"Tôi không biết phải làm gì, nhưng tôi biết, không làm gì là không thể chấp nhận", Jason Jasonman, một quản lý nhóm thiết kế của Facebook viết trên Twitter. "Tôi là nhân viên Facebook. Tôi không đồng tình với quyết định của Mark. Bài đăng rõ ràng kích động bạo lực. Tôi không cô đơn ở công ty này. Ở đây không có vị trí trung lập về phân biệt chủng tộc".

Tuần tiếp theo của căng thẳng đó, hàng trăm nhân viên - hầu hết làm việc từ xa - đã đồng loạt thay đổi hình đại diện với ảnh một nắm đấm trắng và đen để phản đối chính sách của công ty.

Tinh thần làm việc của nhân viên Facebook đã sụt giảm nghiêm trọng sau đó. Theo khảo sát của MicroPulse về độ hài lòng của nhân viên mỗi tuần, thông số ngày càng tệ sau các bài viết Trump đăng tải.

Ngày 1/6, ngày tuần hành ảo đầu tiên, một khảo sát nội bộ của Facebook cho thấy, chỉ còn khoảng 45% nhân viên đồng ý với tuyên bố rằng công ty đang làm cho thế giới tốt hơn - giảm khoảng 25% với tuần trước đó. Cùng ngày, trong một khảo sát khác, chỉ còn 44% nhân viên tin tưởng vào Ban lãnh đạo Facebook, giảm 30% so với khảo sát tương tự ngày 25/5.

"Về mặt văn hóa, Facebook ngày càng chia rẽ. Một số người trung thành với công ty chọn sự im lặng trước việc công ty ủng hộ bài đăng của Trump", một nhân viên giấu tên cho biết.

Trên Blind, một diễn đàn thảo luận nặc danh về các lãnh đạo, một số nhân viên Facebook giấu tên tiết lộ rằng những ai liên quan đến các cuộc "tuần hành ảo" có thể đối mặt với quyết định sa thải. Một chủ đề khác nhằm vào Jason Toff, Giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook, vì ông đã nói rằng ông không tự hào về cách mà nhân viên Facebook phản ứng với quyết định của công ty. Một số nhân viên ẩn danh chuyển qua phỉ báng May Zhou, một kỹ sư phần mềm của Facebook vì cô này đã hỏi trong một cuộc họp rằng "có bao nhiêu nhân viên da màu đã tham gia cướp bóc".

Khi được hỏi, Toff từ chối bình luận, Zhou không trả lời.

Sự xung đột giữa hai phe trong nội bộ Facebook khiến Zuckerberg tức giận. Trong một cuộc hỏi đáp trực tiếp vào ngày 11/6 với các nhân viên, ông nói rằng nó đang xói mòn văn hóa công ty. "Tôi rất lo lắng về mức độ thiếu tôn trọng của các nhân viên trong công ty. Một số trường hợp chỉ trích nhau trong các buổi tranh luận. Ai chèn ép đồng nghiệp sẽ bị sa thải", Zuckerberg nói.

"Tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi đã bị phá vỡ"

Một số nhân viên của Facebook nói với BuzzFeed rằng, sự thiếu nhất quán và hành động không quyết liệt của công ty xung quanh việc thực hiện các tiêu chuẩn cộng đồng là mấu chốt của sự thất vọng.

Khi Trump đăng bài viết sai lệch về bầu cử qua thư ngày 28/5, nếu Twitter quyết định dán nhãn cảnh báo, Zuckerberg lại lên Fox News chỉ trích đối thủ, nói rằng "mạng xã hội không nên là trọng tài của sự thật". Cuối tuần đó, Trump tiếp tục đăng bài viết và bị Twitter dán nhãn "bạo lực", đại diện truyền thông Facebook cho rằng nó sẽ vẫn tồn tại do không vi phạm điều khoản.

Bốn ngày sau Zuckerberg mới thay đổi quyết định. Tại cuộc họp toàn công ty ngày 2/6, ông cho biết công ty đang xem xét thêm nhãn vào bài đăng từ các nhà lãnh đạo thế giới nếu chúng chứa nội dung "kích động bạo lực". Ông cũng hứa rằng, công ty sẽ xem xét các chính sách kiểm soát nội dung liên quan đến thảo luận về cảnh sát hoặc nhà nước.

"Những thay đổi cụ thể là gì, có ảnh hưởng đến những thứ hiện tại của Facebook hay không?", một nhân viên chất vấn Zuckerberg trên Workplace, công khai thách thức vị CEO. "Một cam kết không có tài liệu đi kèm. Việc gì đã làm ông thay đổi? Ông có sẵn sàng nhận sai không?".

Mark Zuckerberg quyết giữ các nội dung chính trị dù nhân viên không hài lòng. Ảnh: Reuters.

Ngày 18/6, Facebook đã loại một quảng cáo liên quan đến chiến dịch tranh cử của Trump với biểu tượng tam giác thời Đức Quốc xã. Sau khi gỡ bỏ, Zuckerberg cho biết: "Quyết định này không quá đặc biệt. Chúng tôi muốn mọi thứ trên nền tảng của mình được tự do nhất có thể. Nhưng nếu có gì đó vượt quá giới hạn, bất kể người đăng là ai, chúng tôi sẽ gỡ".

Thông tin nội bộ do BuzzFeed thu được lại tiết lộ, việc bỏ quảng cáo của Trump không đơn giản như Zuckerberg tuyên bố. Trên thực tế, ông chủ Facebook chỉ tạm thời "nhún nhường" khi phải đối mặt với áp lực bên ngoài, cũng như cảnh báo nội bộ từ chính nhân viên của mình.

Cũng theo nguồn tin, vào buổi sáng trước khi trạng thái của Trump bị gỡ, một cuộc thảo luận sôi nổi đã diễn ra giữa các nhân viên của Facebook. Ít nhất 9 người trong đó cho biết đã báo cáo nội dung của Trump, nhưng nhận được phản hồi "không vi phạm chính sách" của công ty.

"Tôi đã báo cáo nội dung này với lý do ngôn ngữ thù ghét và đe dọa bạo lực. Nhưng những gì nhận lại là một thông báo nói rằng nội dung không vi phạm chính sách", Natalie Troxel, một nhân viên lâu năm, viết trên Wokrplace. "Một nhà lãnh đạo thế giới đang quảng bá bằng hình ảnh Đức Quốc xã rõ ràng là điều không đúng".

Một nhân viên giấu tên khác cũng nói rằng mọi hành động của Facebook thực sự được đưa ra sau khi sự cố đã tràn trên các phương tiện truyền thông. Quảng cáo của Trump chỉ bị bỏ khỏi nền tảng 12 giờ sau bài báo của Washington Post. "Có vẻ như, một quyết định sẽ không được đưa ra nếu như không bị áp lực truyền thông và sự phản đối từ nhân viên", người này viết trên nền tảng nội bộ.

Còn theo Eisenstat, việc Facebook không hành động nhanh chóng với các quảng cáo và bài đăng vi phạm của Trump, là bằng chứng cho thấy nền tảng này đang bị chi phối bởi các yếu tố chính trị và áp lực bên ngoài khi quyết định chính sách. "Họ đã có sự cân nhắc nội dung chính trị để thực thi chính sách", Eisenstat nhận xét.

Đầu tháng 7, một quảng cáo từ trang White Wellbeing Australia trong đó khen ngợi người da trắng - một nội dung liên quan đến phân biệt chủng tộc và thù ghét. Quảng cáo bị BuzzFeed và một số nhân viên báo cáo, nhưng nhiều giờ sau mới bị xoá.

"Tôi đã báo cáo trang và bài đăng", Matthew Brennan, một quản lý dự án Facebook viết trên Workplace. Brennan cho biết, bạn bè và gia đình của anh ở Australia đã lo ngại về quảng cáo này xuất hiện trên News Feed thời gian dài nhưng không làm được gì. "Đó không phải là điều khiến tôi tự hào khi làm việc tại Facebook", Brennan thừa nhận. "Tôi nhận được thông báo về quảng cáo này từ vợ, bạn bè và gia đình", một nhân viên khác bình luận bên dưới bài viết của Brennan.

"Sự đa dạng là một vấn đề lớn"

Quay trở lại Wang. Trong video chia tay của mình, cựu nhân viên này đề cập đến cuộc họp đầu tháng 6 do Zuckerberg chủ trì. Anh cáo buộc Zuckerberg đang cố gắng đánh tráo các khái niệm đối với nội dung chính trị, ít nhất là dựa trên động thái không xóa bài đăng của Trump. "Tại sao Zuckerberg chỉ nói về việc liệu các bình luận của Trump có phù hợp với quy tắc của công ty hay không và về việc sửa các chính sách cho phép các mối đe dọa tồn tại có thể gây tổn thương cho mọi người ngay từ đầu?", Wang đặt câu hỏi.

"Càng tìm hiểu, tôi càng có cảm giác như ai đó đang tráo đổi tấm thảm dưới chân mình", Wang nói. "Họ đã cố hoán đổi mối quan tâm về đạo đức, công lý hoặc một chuẩn mực tương đương với tính nhất quán và logic, như thể trường hợp 'tính nhất quán' mới là vấn đề quan trọng nhất".

Trump (bên trái) và Zuckerberg (bên phải) tại Nhà Trắng. Ảnh: President Trump/Twitter.

Ví dụ, trong một cuộc họp toàn công ty ngày 19/6, khi nhận được câu hỏi về quyết định của Joel Kaplan - phó chủ tịch mảng chính sách toàn cầu của Facebook, cựu thành viên tư vấn chính sách của chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, Mark đã hướng câu hỏi thành một thảo luận về sự cần thiết của ý thức hệ đa dạng. Kaplan là nhân vật gây tranh cãi trong Facebook. Ông công khai ủng hộ Thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh, người bị cáo buộc thực hiện hành vi tấn công tình dục nhiều người.

Người đứng đầu mạng xã hội Facebook lập luận rằng vị phó chủ tịch đã đưa ra "một chút" quan điểm bảo thủ. Đối với Zuckerberg, những thành viên nằm trong đảng Cộng hòa như Kaplan đã góp phần "tạo nên sự đa dạng tốt về quan điểm trong công ty".

Theo Buzzfeed "đa dạng quan điểm" chỉ là vỏ bọc của những người bảo thủ và vấn đề này thực sự nguy hiểm. Zuckerberg đang nhùn nhường những nhân vật trong hội đồng quản trị. Họ sẽ đưa ra quyết định rồi tự vỗ về rằng nó là sự đa dạng. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, nó có thể kích hoạt ý thức hệ về phân biệt chủng tộc và nhiều mối nguy khác

Facebook không ít lần hứa sẽ thay đổi. Công ty đã bổ sung trách nhiệm về tính đa dạng trong đánh giá hiệu suất nhân viên hai năm một lần. Giám đốc phụ trách tính đa dạng của công ty sẽ báo cáo lại với Sheryl Sandberg, COO của Facebook.

Giữa tháng 6, bà cho biết Facebook cam kết đầu tư 200 triệu USD cho các doanh nghiệp và tổ chức liên quan đến người da màu, cũng như 10 triệu USD cho các tổ chức tư pháp về phân biệt chủng tộc.

Nhân viên Facebook cũng đang cố gắng ủng hộ các tổ chức chống nạn phân biệt chủng tộc bằng nhiều cách nhưng không phải lúc nào cũng được công nhận. Theo chính sách công ty, mỗi nhân viên được nhận 250 USD để sử dụng cho quảng cáo trên nền tảng. Tuy nhiên, một số người không thể sử dụng để quảng cáo thúc đẩy nhân quyền được, đặc biệt liên quan đến cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Khoản tín dụng này cũng không thể sử dụng cho các nội dung liên quan đến chính trị.

"Thật khó chịu", một nhân viên nói với BuzzFeed.

"Chính trị tốt, lãnh đạo tồi"

Các công ty bên ngoài đang kêu gọi Facebook thay đổi chính sách của mình, như chiến dịch Stop Hate For Profit mà Coca-Cola, Starbucks hay Verizon đang thực hiện. Vấn đề này cũng là một trong những nguyên nhân chính gây căng thẳng nội bộ.

Điều này chưa từng có với Facebook, một công ty chưa từng xảy ra bất đồng nội bộ trên diện rộng. Nhưng video của Wang, những cuộc tuần hành ảo, sự giảm hài lòng trong nhân viên Facebook đang cho thấy cách tiếp cận của Zuckerberg đang gây ra tổn thất nội bộ.

Wang nói trong video: "Tôi nghĩ rằng Facebook đang bị mắc kẹt giữa lý tưởng về sự tự do ngôn luận và kiên định với một ý thức hệ".

Trên YouTube và các diễn đàn, video của Wang đang thu hút nhiều thảo luận. Yann LeCun, người đứng đầu bộ phận trí tuệ nhân tạo của Facebook, sau khi cảm ơn Wang đã nói suy nghĩ của mình, đã thừa nhận các quyết định về chính sách và nội dung của mạng xã hội đang không hướng đến việc bảo vệ nền dân chủ.

Một số nhân viên khác, như kỹ sư Abramov, lập luận rằng Facebook chưa bao giờ trung lập, bất chấp những nỗ lực lặp đi lặp lại của đội ngũ lãnh đạo trong việc thuyết phục nhân viên. Theo ông, Ban lãnh đạo cần đưa ra quyết định nhanh và quyết đoán hơn để hạn chế tác hại.

"Facebook nên chủ động gỡ bỏ ảnh khoả thân, ngôn từ kích động thù địch và nội dung cực đoan, đồng thời khuyến khích mọi người tham gia bầu cử - một hành động ủng hộ dân chủ", Abramov viết ngày 26/6. "Là một nhân viên, tôi không thể hài lòng với 'ảo ảnh' hiện tại. Facebook đang không phải là một nền tảng trung lập".

Zuckerberg dường như không đồng ý. Ông nhấn mạnh Facebook đã sai sót về khía cạnh biểu hiện dựa trên sự miễn phí, đồng thời đưa ra một loạt lời hứa rằng công ty sẽ thúc đẩy công lý chủng tộc và đấu tranh cho sự tham gia của cử tri.

"Rõ ràng, bằng cách không cam kết gì cả, những hành động hiện có có thể xoa dịu một số người trong chúng tôi. Đó là cách làm chính trị tốt, nhưng là lãnh đạo tồi", một nhân viên Facebook chia sẻ.

Bảo Lâm (theo BuzzFeed)