Đoạn thứ hai, thuộc phần thứ hai của bài thơ tả cảnh bộ đội trở về, nhân dân đứng dậy, chủ động tiến công kẻ thù. Giọng thơ từ nhớ tiếc, xót xa chuyển thành uất hận, căm thù. Nhân vật trữ tình trung tâm không còn là hoài niệm nữa mà là con người của hành động. Kết thúc bài thơ, một mùa xuân mới tràn niềm vui, hy vọng trở về với vùng kinh Bắc.
Khổ cuối bài thơ Bên kia sông Đuống như sau:
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
Theo GS Trần Đăng Xuyền, "em" xuất hiện ở đầu bài thơ và khổ cuối là một nhân vật phiếm chỉ, giống như nhiều bài thơ khác của Hoàng Cầm, người đọc vẫn thường thấy một cô gái Kinh Bắc của ngày xưa.
Xuyên suốt bài thơ, hình ảnh vùng quê Kinh Bắc hiện lên với tên đất, tên núi, tên sông, tên chùa cụ thể, nhưng cũng rất tiêu biểu cho làng quê Việt Nam. Đó là lý do bài thơ dù viết về một vùng quê nhưng có sức lay động tình cảm yêu quê hương với con người Việt Nam.
Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Ông làm thơ từ năm lên 8, bắt đầu được in từ những năm 1936-1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý. Ngoài ra, ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi.
Theo Từ điển tác giả, tác phẩm Văn học Việt Nam dùng cho nhà trường, Hoàng Cầm thực sự bước vào con đường văn học vào cuối năm 1939 bằng những tiểu thuyết in trên Tiểu thuyết thứ bảy. Sau đó ông lại yêu thích thể loại thơ, tham gia tổ chức biểu diễn và bắt đầu viết kịch bản. Những năm kháng chiến, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1957, ông là một trong số hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.
Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Trương Chi (xuất bản năm 1993); Bên kia sông Đuống (thơ, 1948); Kinh Bắc (thơ, 1959); Men đá vàng (truyện thơ, 1973); Mưa Thuận Thành (thơ, 1959); Lá diêu bông (thơ, 1993); Đến từ hư không (thơ, 2000).
Từ năm 1993, thơ ông được in nhiều và liên tục được tái bản do nhu cầu tìm đọc của công chúng. Năm 2007, Hoàng Cầm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.