Kịch công diễn tối 13 và 14/12 tại Nhà hát Tuổi trẻ, lấy bối cảnh xóm trọ ở bến tàu, nơi Lý Tự Trọng (Quang Trọng đóng) ở để hoạt động cách mạng. Nhiệm vụ của anh là tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn thanh niên. Tại đây, Lý Tự Trọng gặp nhiều mảnh đời bất hạnh: Người chị sẵn sàng đi làm gái để kiếm tiền nuôi em trai ăn học, người cha sa vào rượu chè vì không có việc làm, không chăm lo được cho vợ con, người dân đói khổ, bị đánh đập...
Lý Tự Trọng thông minh, gan dạ, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi bị địch bắt, tra tấn dã, anh vẫn quyết không khai báo. Khi bị kết án tử hình, anh tuyên bố: "Tôi hành động có suy nghĩ, biết việc mình làm. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác".
Hóa thân vai chính, Quang Trọng ghi điểm ở diễn xuất tự nhiên, biểu cảm linh hoạt. Ở cảnh nhân vật được má Hai (Nguyệt Hằng) chăm sóc, anh thể hiện dáng vẻ hiền lành, ngoan ngoãn. Tại phân đoạn Lý Tự Trọng chứng kiến người dân sống khốn khó, diễn viên khắc họa qua vẻ mặt buồn bã và tiếng thở dài. Khi nhân vật kiên cường đối diện với kẻ thù, anh diễn tả qua lời nói đanh thép, dáng vẻ hiên ngang. Quang Trọng cho biết giảm bảy kg để hóa thân nhân vật. Anh cũng dành nhiều thời gian đọc những tư liệu lịch sử về Lý Tự Trọng để hiểu đúng, từ đó tìm ra cách diễn phù hợp nhất.
Vở chính kịch được đan xen vài phân cảnh hài hước như Bảy Thẹo (Thanh Sơn) yêu cầu các món ngon trong tù, ấp úng đánh vần từng chữ theo yêu cầu của Lý Tự Trọng, cò Lơgơrăng (Bá Anh) diễu võ dương oai... mang đến tiếng cười cho khán giả. Các nghệ sĩ Đức Khuê, Quang Tuấn, Nguyệt Hằng, Thanh Sơn, Bá Anh... diễn tròn vai.
Khán giả Minh Hưng (19 tuổi, Hà Nội) nói ấn tượng với cảnh Lý Tự Trọng bị tra tấn trong ngục bằng nhiều hình thức nhưng vẫn kiên trung. "Phân cảnh đó rất sinh động, kịch tính, kết hợp âm nhạc và ánh sáng đã mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc. Bây giờ là thời bình nhưng hình tượng anh hùng Lý Tự Trọng vẫn là tấm gương sáng cho đoàn viên như tôi học tập và noi theo", anh nói.
Ông Sỹ Tiến - giám đốc nhà hát - cho biết năm 1979, một năm sau khi Nhà hát Tuổi trẻ thành lập, nghệ sĩ Phạm Thị Thành - khi đó là giám đốc - tìm gặp Lưu Quang Vũ nhờ viết một kịch bản dành cho thế hệ trẻ nhằm cổ vũ và tôn vinh lối sống đẹp, tinh thần cống hiến, dấn thân. 20 ngày sau, Sống mãi tuổi 17 ra đời, được xây dựng từ hình tượng Lý Tự Trọng. Tác phẩm được dàn dựng ngay sau đó, gây nhiều tiếng vang và đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu Toàn quốc năm 1980.
Hiểu Nhân