Chiều giữa tháng 11, bà Nguyễn Thị Tín, 53 tuổi, cùng nhiều người dân xóm 1, xã Lạng Sơn ra chăng dây nylon tại các mảnh vườn rộng 200-400 m2 nằm sát sông Lam. Họ lo sợ đợt mưa sắp tới bờ sông sạt lở thêm, gây nguy hiểm.
Đang làm, đôi lúc bà Tín giật mình bởi nhiều tảng đất, đá đột ngột lăn xuống lòng sông, tạo những tiếng động lớn. Cách đó hơn 50 m, ở phía đối diện, nhiều sà lan đang hút cát dưới sông.
Bà Tín cho biết tình trạng sạt lở bờ sông Lam đoạn qua xóm 1 diễn ra gần 10 năm nay, song năm 2023 nghiêm trọng nhất. Gia đình bà trước đây có hơn 300 m2 đất vườn và đất ở nằm bên sông, gần mép nước có hàng tre bảo vệ. Nhưng 5 năm trước, hàng tre đã bị cuốn trôi, lòng sông ăn sâu vào vườn 20 m. Chuồng nuôi gia súc, gia cầm cũng bị kéo xuống nước.
Đầu tháng 10, sau các đợt mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về, nước sông Lam dâng cao. Khi nước rút kéo theo sạt lở, nhà bà Tín tiếp tục mất hàng chục mét vuông đất. "Điểm sạt hiện chỉ cách nhà tôi khoảng 10 m. Cứ thế này không mấy chốc lấn vào sân, cả nhà thấp thỏm lo âu", bà Tín nói.
Thống kê của xã Lạng Sơn, đoạn sạt lở bờ sông Lam qua xóm 1 dài 120 m, rộng 20 m, sâu 12 m, cuốn trôi hơn 15.000 m3 đất. Hiện hơn 10 gia đình có nhà kiên cố cách điểm sạt lở chỉ 10-50 m. Từ đầu tháng 10 đến nay, chính quyền huy động máy móc san gạt, hạ thấp điểm sạt, xử lý vết nứt để hạn chế lan rộng.
Ngoài ra, mỗi lúc thấy trời sắp mưa lớn, người dân xóm 1 đóng thêm cọc tre, phủ bạt lên những điểm sạt lở để tránh nước đổ xuống cuốn trôi đất. Nhiều gia trồng thêm cây bên mảnh vườn sát sông Lam, căng dây làm rào chắn bảo vệ để ngăn trẻ em tiếp cận, đề phòng nguy hiểm.
Cách xã Lạng Sơn gần 40 km, đất nông nghiệp trồng rau và hoa màu dọc bờ sông Lam đoạn qua thôn Đỉnh Thắng, xã Đỉnh Sơn cũng bị sạt lở kéo dài hơn 700 m. Các điểm sạt diễn ra từng đoạn dọc sông, mỗi điểm dài 30-50 m, có nhiều vết rạn nứt, mép lở dựng đứng cao 8-10 m so với mặt nước.
Tình trạng trên diễn ra hơn 5 năm nay, sau mỗi đợt mưa lũ, diện tích đất nông nghiệp lại thu hẹp. Thống kê cho thấy đến nay khoảng 1,5 ha đất bên sông ở thôn Đỉnh Thắng đã bị cuốn trôi, ông Phan Văn Hợi, Chủ tịch xã Đỉnh Sơn, cho hay.
Theo nhà chức trách huyện Anh Sơn, mưa lớn, lũ lụt nhiều năm qua là nguyên nhân gây sạt lở. Còn người dân sống xung quanh sông Lam cho rằng việc khai thác cát dọc sông khiến địa chất tại một số nơi yếu đi. Dòng chảy thay đổi, nước bị đẩy thẳng vào hai bên bờ.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, ông Hoàng Quyền, Chủ tịch huyện Anh Sơn, cho biết cơ quan chuyên môn đã lập dự án làm kè bêtông chống sạt lở tại các thôn thuộc xã Lạng Sơn và Đỉnh Sơn, kinh phí dự kiến hơn 10 tỷ đồng. Tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan tham mưu phương án.
Sông Lam bắt nguồn từ cao nguyên Xiangkhoang của Lào, phần chính chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh và đổ ra vịnh Bắc Bộ ở Cửa Hội. Tổng chiều dài sông Lam khoảng 520 km, đoạn chảy qua nội địa Việt Nam khoảng 360 km.