Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, nơi quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, là dải đất giáp biển, cách TP Phan Rang chừng 15 km. Ngôi làng nơi hàng trăm hộ dân sinh sống nhiều năm qua nhà cửa xuống cấp, cũ kỹ nhưng không được sửa sang. Bảng thông tin quy hoạch dự án nhà máy điện gắn trước nhà văn hóa thôn đã hư hỏng, mục nát, bị gỡ xuống.
Hơn chục năm trước, khi dự án được quy hoạch, ông Nguyễn Văn Luận (53 tuổi, thôn Vĩnh Trường) cùng nhiều người dân ở đây đều đồng thuận, chuẩn bị dời chỗ ở sang nơi khác, nhưng chờ mãi không thấy dự án triển khai. Cách đây 6 năm, dự án được Quốc hội cho tạm dừng, song điều khiến người dân thất vọng là chính quyền không có chính sách hỗ trợ thiệt hại.
Hơn 8.000 m2 đất đìa tôm của gia đình dính quy hoạch nhà máy điện, suốt thời gian dài ông Luận phải giữ nguyên hiện trạng, không thể đầu tư, chỉ nuôi cầm chừng duy trì cuộc sống, lo cho 6 miệng ăn trong gia đình. "Nhiều năm qua, tôi không thể định hướng gì cho tương lai của mình, sống cứ thấp thỏm, đến nay vẫn chưa biết sẽ đi hay ở", ông Luận nói.
Cách đó mấy căn nhà, ông Huỳnh Nghĩa Long, 44 tuổi, cũng cho hay do nằm trong khu quy hoạch, hơn hai ha đất nông nghiệp của gia đình ở phía trên khu Đá Chồng bị bỏ hoang nhiều năm. Gia đình ông không thể đầu tư, sản xuất, vì không được phép tác động lên đất của dự án. "Làm gì cũng không được, kể cả muốn cắt bán một ít làm vốn trang trải cuộc sống", ông Long nói.
Người dân thôn Vĩnh Trường đa phần đánh bắt hải sản, phụ thuộc vào thiên nhiên. Đời sống của họ càng bấp bênh từ khi cả thôn bị quy hoạch treo. Ngư dân Nguyễn Văn Niễn, 71 tuổi, nói chục năm trước hoạt động khảo sát địa chất, khoan dò, đóng cọc, nổ mìn cho dự án kéo dài nhiều tháng đã phá hỏng rạn san hô trước làng. Cá, mực và các loại hải sản mất chỗ trú ngụ, rời đi, không còn nhiều như trước.
"Hải sản cạn kiệt, đánh bắt được ít, cuộc sống vất vả, người dân mòn mỏi chờ đợi nhà nước đưa đi tái định cư mà chưa thấy đâu", ông Niễn nói.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy, tổng công suất 4.000 MW, được Quốc hội thông qua năm 2009. Ngoài dự án ở Vĩnh Trường quy mô 440 ha, dự án thứ hai rộng 380 ha quy hoạch tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Sau nhiều lần lùi khởi công, cuối năm 2016, Quốc hội ra Nghị quyết tạm dừng chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên ngày 20/5 vừa qua, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị xem xét phát triển lại dự án, thu hút sự quan tâm.
Ông Nguyễn Thành Du, trưởng thôn Vĩnh Trường, nói chính sự dùng dằng nhiều năm qua của các cấp thẩm quyền về việc hủy bỏ hay giữ lại dự án khiến hơn 250 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu ở thôn "sống dở chết dở". Ban đầu bà con đều đồng thuận với chủ trương làm dự án, góp phần phát triển kinh tế đất nước, nhưng giờ đây ai cũng nản bởi chịu quá nhiều thiệt thòi. Hơn 10 năm, người dân ở thôn không có bất kỳ sự hỗ trợ nào của nhà nước.
Theo ông Du, do vướng quy hoạch, đất đai ở địa phương thời gian dài bị bỏ hoang, lãng phí. Người dân không thể đầu tư, trồng cây, canh tác nông nghiệp. Việc đầu tư làm trại chăn nuôi gia súc (dê, cừu, bò) không được phép, khiến người dân mất nguồn thu. Nhiều gia đình khó khăn đã vay mượn tiền ngân hàng trang trải cuộc sống, đến nay nợ nần chồng chất, không thể trả nổi.
Tất cả giao dịch, tách thửa của người dân cũng bị cấm kéo theo nhiều hệ lụy. Trong thôn khoảng 100 hộ có con cái trưởng thành, lập gia đình muốn ra riêng không được tách thửa làm nhà. "Các cặp vợ chồng trẻ phải sống chen chúc trong các căn nhà chật chội với cha mẹ, ông bà, rất bức bách", ông Du nói.
Người sống không có chỗ ở tươm tất đã đành, người chết ở thôn cũng thiếu chỗ chôn cất đàng hoàng, do đất nghĩa trang nằm trong quy hoạch nhà máy điện. "Người dân buộc phải đưa người chết lên các khu núi xa hoặc đất hoang ở chỗ khác để chôn cất", ông Du nói.
Thay mặt người dân ở thôn, ông Du khẩn thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm quyết định rõ ràng về vấn đề quy hoạch điện hạt nhân tại Ninh Thuận, xóa bỏ hay để lại, nhằm cởi trói quy hoạch, hồi sinh vùng đất này. Nếu tiếp tục giữ quy hoạch, chính quyền cần sớm bố trí tái định cư cho người dân, thực hiện các chính sách an cư lạc nghiệp.
Còn nếu hủy bỏ, địa phương cần thực hiện cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân trong vùng bị thiệt hại bằng tiền mặt, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, đất đai trong vùng quy hoạch cần được giao lại cho người dân, để sản xuất, tách thửa, mua bán, cho tặng con cái, phát triển kinh tế gia đình...
Cách Vĩnh Trường khoảng 35 km về hướng Bắc, hơn 800 hộ dân với khoảng 2.800 nhân khẩu ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) - nơi quy hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hàng trăm ha đất trù phú ở thôn gần biển, chuyên trồng nho và táo, từ năm 2010 bị thu hồi, giữ nguyên hiện trạng, người dân không được tác động.
"Nhà cửa không được xây dựng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, nhiều lần bức xúc", ông Nguyễn Thành Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải nói.
Vừa qua, chính quyền xã Vĩnh Hải có văn bản đề nghị các cấp thẩm quyền sớm thực hiện chính sách hỗ trợ người dân trong vùng quy hoạch, cho phép người dân thực hiện các quyền sử dụng đất như cấp giấy chứng nhận, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích, đăng ký thế chấp vay vốn... để họ có cơ hội làm ăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết từ khi Trung ương có chủ trương đến triển khai dự án điện hạt nhân ở địa phương, chính quyền và người dân đều tán thành, ủng hộ, thậm chí đồng ý khi Quốc hội dừng chủ trương đầu tư dự án năm 2016.
"Tuy nhiên từ khi Quốc hội quyết định dừng hai dự án điện hạt nhân, chúng tôi chưa rõ sẽ tiếp tục triển khai trong tương lai hay không", ông Nam nói. Vì lý do này nên toàn bộ hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng liên quan đời sống người dân ở hai nơi này không được thực hiện. Vướng quy hoạch nên tỉnh không thể triển khai, bố trí vốn cho dự án ở đây do không đủ cơ sở pháp lý.
Lãnh đạo chính quyền Ninh Thuận cho rằng một khi chủ trương rõ ràng sẽ giúp địa phương thêm cơ sở thuận lợi triển khai những vấn đề liên quan. Đơn cử, nếu Trung ương quy hoạch 50 năm tới mới xây nhà máy điện hạt nhân, thời gian chờ đợi tỉnh sẽ tính toán cấp phép đầu tư các dự án phù hợp, như du lịch sinh thái, không xây công trình kiên cố. Nếu quy hoạch 30 năm mới xây, địa phương sẽ tính đầu tư ở mức độ khác.
"Khi có chủ trương rõ như vậy, chúng tôi sẽ đưa ra các phương án cụ thể", ông Nam cho hay. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục truyền thông, làm sáng tỏ vai trò của nhà máy điện hạt nhân là tốt và an toàn nhất, không để người dân suy nghĩ tiêu cực khi dự án triển khai tại địa phương.
Việt Quốc - Viết Tuân