"Trước khi phát hiện sóng hấp dẫn, chúng ta chỉ có mắt nhìn lên trời, chứ không có tai để nghe âm thanh trong vũ trụ", Szabolcs Marka, nhà vật lý thiên văn Đại học Columbia, một thành viên của nhóm nghiên cứu phát hiện sóng hấp dẫn cho biết. "Vũ trụ từ nay sẽ không còn như xưa nữa".
Theo AP, việc phát hiện sóng hấp dẫn khiến các nhà thiên văn học vô cùng phấn khích, vì nó hứa hẹn mở ra cánh cửa mới quan sát vũ trụ. Nó giống như biến phim câm thành phim tiếng có hình ảnh kèm âm thanh đầy hấp dẫn. Những âm thanh của sóng hấp dẫn sẽ trở thành nhạc nền của vũ trụ.
Nhóm các nhà khoa học quốc tế làm việc tại Trạm quan sát Sóng hấp dẫn bằng tia Laser giao thoa (LIGO) hôm 11/2 tuyên bố phát hiện sóng hấp dẫn được tạo ra từ hai hố đen sáp nhập.
Một số nhà vật lý đánh giá, phát hiện này có tầm cỡ tương đương phát hiện hạt hạ nguyên tử, được mệnh danh là "hạt của Chúa" năm 2012. Tuy nhiên, một số khác cho rằng, phát hiện này mang ý nghĩa lớn hơn nhiều.
"Nó có thể được so sánh với việc Galileo lần đầu tiên dùng kính thiên văn (hơn 400 năm trước) quan sát các hành tinh trong vũ trụ", Abhay Ashtekar, nhà lý thuyết vật lý Đại học bang Pennysylvania, người không tham gia nghiên cứu của LIGO, đánh giá. "Sự hiểu biết của chúng ta về bầu trời từ nay sẽ biến chuyển đáng kể".
Phát hiện sóng hấp dẫn đã xác nhận tiên đoán 100 năm trước của nhà vật lý Albert Einstein. Sau khi công bố thuyết tương đối tổng quát năm 1916, hơn 10 năm sau, Enstein bày tỏ nghi ngờ về lý thuyết chính mình đưa ra, về việc liệu sóng hấp dẫn có thực sự tồn tại. Tuy nhiên, đến thập niên 60, các nhà khoa học kết luận sóng hấp dẫn có tồn tại, ông Ashtekar cho biết.
Do đó vào năm 1979, Quỹ Khoa học Quốc gia đã tài trợ cho Viện Công nghệ California (Caltech) và Viện Công nghệ Massachusette (MIT) để xây dựng hệ thống máy phát LIGO trị giá 1,1 tỷ USD, có nhiệm vụ tìm kiếm những rung động siêu nhỏ từ sóng hấp dẫn lan truyền.
Hồng Hạnh