Sông Đốc được thiên nhiên ưu đãi, nằm giữa những vùng kế cận như: hòn Đá Bạc, cửa biển Cái Đôi Vàm và ngoài khơi là đảo Hòn Chuối. Vị trí này làm nổi rõ vai trò của Sông Đốc trong khu vực, là nơi đón tiếp, phục vụ, trung chuyển hàng hóa, khách du lịch... Sông Đốc không chỉ là tâm điểm của 3 địa điểm trên mà còn có nhiều làng nghề biển như: làng nghề đan lưới, làm cá khô... và nhiều di tích chùa chiền. Đứng trước cửa biển Sông Đốc vào buổi chiều, du khách sẽ có cảm giác thú vị khi chìm đắm trong sự bình yên lúc hoàng hôn buông xuống. Dòng sông Ông Đốc sâu, rộng không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, mà còn là một trong những bến cảng có tàu thuyền ra vào đông nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dọc theo hai bên bờ sông Đốc và cảng cá đã được quy hoạch và xây dựng quy mô thành những điểm thu mua, suốt ngày nhộn nhịp khiến cho diện mạo Sông Đốc hoàn toàn thay đổi. Kinh tế biển Sông Đốc gắn liền với nguồn lợi hải sản, công nghiệp chế biến và thương mại dịch vụ. Là cửa biển sầm uất và sôi động nhất tại miền Tây, ngành công nghiệp khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản ở Sông Đốc hiện đứng đầu ở Cà Mau. Ngoài cá tươi, mực tươi cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, Sông Đốc còn là nơi sản xuất khô nổi tiếng gồm nhiều loại từ cá thu, cá lạt, cá rún đến cá hố, cá ngát, cá mối... Nếu như Cửa biển Cái Tàu có đặc sản tôm khô; Cái Đôi Vàm có khô cá khoai thì Sông Đốc có khô mực, một loại khô thịt mềm, thơm ngon và ngọt đậm đà. Thị trấn Sông Đốc có trên 500 tàu khai thác mực, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn mực khô. Cuộc sống của ngư dân vùng biển tuy vất vả nhưng tính tình của họ rất phóng khoáng, trọng tình trọng nghĩa. Du khách ghé qua sẽ được ngư dân đón tiếp một cách chân tình, rồi tình cảm ấy lưu luyến mãi, khi mỗi lần nhớ về Sông Đốc. Trước mắt, chính quyền địa phương và nhân dân Sông Đốc đang tích cực phát huy những thành tựu đã gặt hái, đồng thời xây dựng thành khu kinh tế biển, kết hợp với du lịch, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt trong tương lai. Hải MyẢnh: Văn Đum