"Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Phút lơ đẵng chẳng ngờ ta để mất
Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu"
Tôi dường như hiểu được cái thần của bài thơ này khi gặp gỡ tâm hồn của cô Nguyễn Thị Kim Nga, một nhà giáo đã chọn cho mình cuộc sống độc thân vì sự nghiệp trồng người và hoạt động thiện nguyện.
Câu chuyện về cô được bắt đầu với tên gọi khác ngoài họ tên khai sinh, đó là pháp danh Diệu Thuật, xuất phát điểm của một lý tưởng sống cao đẹp. Chín tuổi, cô nhận lấy pháp danh từ nhà chùa, và vẫn vô tư ngày hai buổi đến trường. Thỉnh thoảng cô lên chùa để cầu siêu cho linh hồn bà ngoại, và cứ như vậy, những câu kinh chan chứa nhân tình thế thái thấm dần vào suy nghĩ của cô. Cô dường như ý thức rằng, đã là con người thì không ai có thể thoát ra khỏi vòng tròn sinh, lão, bệnh, tử. Và cũng từ đó cô luôn trăn trở, giàu hay nghèo, hạnh phúc hay khổ đau rồi cũng thành cát bụi. Vậy sao ta không sống thật ý nghĩa với công sinh dưỡng của cha mẹ, sao ta không vì mọi người mà chỉ ôm lấy niềm hạnh phúc cá nhân? Rồi lập trường ấy được củng cố khi cô tiếp xúc với hình tượng Nguyễn Công Trứ, một vị quan văn thời nhà Nguyễn, cùng những giai thoại bất hủ về bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ, và chính điều này đã ảnh hưởng tích cực vào lối sống của cô.
"Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông"
Chính những suy nghĩ ấy đã xây dựng trong cô một nhân sinh quan rõ ràng! Đó là không lập gia đình, dành trọn thời gian phụng dưỡng cha mẹ và giúp đỡ người khác. Rồi từ năm ấy, cô nguyện sống trọn cuộc đời vì lý tưởng này. Cô quan niệm rằng, Nguyễn Công Trứ dọc ngang đất trời để giúp nước, giúp dân, thì cô dẫu chỉ là một hạt muối giữa biển đời bao la, song nếu mỗi người đóng góp một việc rất nhỏ và nhiều bàn tay sẽ làm sung túc cuộc sống này… Hạn chế sức khỏe không cho phép tôi tham gia cùng cô những chuyến từ thiện thực tế đến các gia đình khó khăn, những trẻ em bất hạnh, hay những cây cầu đang thoi thóp từng ngày ở vùng quê nghèo. Tôi chỉ biết rằng, trong trái tim cô mang một ánh nhìn thông cảm và chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn. Dẫu tôi là một người khuyết tật nặng, tai điếc, mắt mù, chân không đi lại được, nhưng tôi vẫn nhận được từ cô sự tôn trọng, và đánh giá công bằng. Tôi nhớ có lần cô đã động viên tôi “dẫu bề ngoài một chiếc tách có tàn cũ hay sức miệng, mẻ quai thì người ta vẫn không phủ nhận được cà phê trong tách vẫn rất ngon”. Và tôi luôn tự hỏi, trong suốt quãng đường dài âm thầm hoạt động xã hội, có bao nhiêu người như tôi được cô tiếp thêm sức mạnh để vươn lên?
Bạn ơi hãy cùng tôi trải lòng qua những câu chuyện phấn trắng, bảng đen của người cô giáo gần bốn mươi năm gắn bó với bục giảng. Thật vậy, chuyên môn của cô là tiếng Anh, dĩ nhiên kinh nghiệm mấy chục năm đã xây dựng nên một nhà giáo vững vàng cả về kiến thức chuyên môn, lẫn kiến thức làm người. Vì vậy, lời giảng của cô không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt Anh ngữ, mà còn là những bài học nuôi dưỡng tâm hồn được lồng ghép một cách khéo léo. Cô kể tôi nghe rất nhiều về lớp học, nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là câu chuyện “Bông hồng cài áo”, cô vừa cười vừa kể “Ngày đó giáo viên không được phép dạy những kiến thức thoát ra khỏi chương trình, nhưng cô vẫn “xăm mình” giảng cho học trò về hiếu hạnh của phận làm con đối với cha mẹ.
Kết quả bài giảng ngoài lề hôm ấy là cả cô, cả trò cùng khóc và có một ngày lễ Vu Lan thật ý nghĩa. Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp trồng người, trên vầng trán đã phủ nhiều nếp nhăn, nhưng cô vẫn mỗi ngày cặm cụi bên giáo án, bởi dạy học không chỉ là phương thức giúp cô trang trải cuộc sống, duy trì những hoạt động xã hội, mà môi trường học đường còn là nơi cô thể hiện tâm huyết với biết bao thế hệ học trò. Nơi ấy có bao nụ cười, ánh mắt ngây thơ đang mong chờ được nghe những lời giảng chân thành tự đáy lòng cô…
Giữa Sài Gòn hoa lệ, chợt tôi thoáng ngạc nhiên bởi người phụ nữ tràn đầy tri thức, nhưng chọn lấy một cuộc sống giản đơn, không điện thoại hay xe đắt tiền, ăn chay, niệm Phật, làm từ thiện và truyền đạt kiến thức đến em thơ.
"Cô yêu cuộc sống hòa bình
Thiện tâm chẳng tính riêng mình lợi chi
Độc thân suốt quãng đường đi
Lời nói, hành động từ bi, chân thành
Cùng môn ngoại ngữ tiếng Anh
Bao năm bục giảng, tóc xanh ngả màu
Lạc quan, không chút lo âu
Giúp người hoạn nạn, bền lâu, nghĩa tình"
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Lê Dương Thể Hạnh