Ở sâu bên dưới bề mặt đóng băng của dải băng Greenland là lớp đá nền và trải dài xuyên qua lớp đá nền đó là một thung lũng gần 1.600 km có thể chứa con sông ngầm dẫn nước từ trung tâm Greenland tới ven biển phía bắc. Trước đây, bản đồ một phần thung lũng đá dưới bề mặt băng đã được lập bằng bay quét, nhưng phạm vi quét của radar không đủ bao quát toàn bộ khu vực, theo Christopher Chambers, nhà nghiên cứu ở Đại học Hokkaido tại Sapporo, Nhật Bản.
Để có cái nhìn rõ nét hơn về những gì ẩn giấu bên dưới bề mặt Greenland, Chambers và đồng nghiệp tạo ra hình ảnh mô phỏng để khám phá thung lũng ở các độ sâu khác nhau, đồng thời lập mô hình quá trình nước chảy từ bề mặt sông băng tới lớp đất bên dưới. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện hôm 9/12 trong cuộc gặp thường niên của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ (AGU).
Bản đồ radar cho thấy nền thung lũng vô cùng bằng phẳng ở độ sâu 300 - 500 m bên dưới mặt băng. Đây là đặc điểm khác thường với một thung lũng dài như vậy, chứng tỏ nơi này thường xuyên trải qua xói mòn hoặc lắng đọng trầm tích như có sông chảy qua.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu lập mô hình kỹ thuật số thung lũng và loại bỏ các phần thiếu dữ liệu. Khi đã có hình ảnh liên tục của thung lũng, họ đưa vào bản đồ mô phỏng Greenland. Kết quả chỉ ra nước chảy từ sông băng tự tái phân bố dưới lòng đất, dọc theo đáy thung lũng. Theo Chambers, ở độ sâu 500 m, nước vẫn chảy dọc chiều dài thung lũng và đổ ra vịnh Petermann.
Do dòng sông chảy trong bóng tối dưới lớp băng, nhóm nghiên cứu đặt biệt danh cho nó là "sông tối". Nhiều khả năng dòng sông không chảy mạnh hoặc liên tục, bởi lượng nước tan từ sông băng phân tán trên khu vực rộng lớn. Đôi khi, con sông có thể chảy khá mạnh khi lượng lớn nước băng tan tích tụ và đổ xuống thung lũng.
An Khang (Theo Live Science)