"Đó là mùa đông đầu tiên bạn nhận ra rằng điều này sẽ kéo dài và nó là cuộc sống của bạn", Velibor Bozovic, giáo sư khoa nhiếp ảnh, nhớ lại thời gian Sarajevo, thành phố ở Bosnia bị vây hãm thập niên 90, khiến cuộc sống nơi đây bị đình trệ. "Bằng cách nào đó bạn vẫn sống. Giống cách mọi người đang thích nghi với cuộc khủng hoảng hiện giờ".
Trong gần 4 năm bị vây hãm, ý thức về cộng đồng, ký ức và thậm chí là thời gian của con người đã thay đổi. Ông Bozovic và nhiều người sống sót khác đã cảm nhận kịch bản lặp lại khi thế giới đối đầu với đại dịch, được dự đoán là chưa thể ngăn chặn và có thể kéo dài một, hai năm.
Những thay đổi về cách suy nghĩ, hành vi và mối quan hệ với người khác, dù chủ động hay bị động, tạm thời hay có thể vĩnh viễn, sẽ chính là định nghĩa về cuộc sống bình thường mới của thế giới.
Việc tụ tập, cảm thấy thoải mái khi ở cạnh người khác, thậm chí là việc nghĩ trước về vài ngày sắp tới cũng có thể giảm bớt, theo Max Fisher, biên tập viên của NYTimes. Nhưng anh cũng cho rằng mọi người sẽ nhận thấy bản năng sinh tồn trỗi dậy để thích nghi với cuộc sống trong giai đoạn nguy hiểm.
"Chúng ta có khả năng thích nghi đáng kinh ngạc với mọi tình huống. Bất kể nó xấu như thế nào, bạn vẫn thích nghi được. Bạn vẫn sống một cuộc đời đẹp nhất có thể", Bozovic, người hiện sống và làm việc tại thành phố Montreal, Canada, chia sẻ.
Biên tập viên Max Fisher nhận định những tháng sắp tới thế giới sẽ làm quen với bán phong tỏa hoặc phong tỏa theo giai đoạn. Cho tới khi nCoV bị đánh bại bằng vaccine hoặc chiến dịch phong tỏa phối hợp toàn cầu, điều mà nghiên cứu của Đại học Harvard ước tính phải mất hai năm, mọi người sẽ sống chung với những biện pháp kiểm soát đại dịch.
Không có công thức chung cho điều đó, nhưng các đề xuất của giới chuyên gia y tế cộng đồng có xu hướng theo một mô hình. Tụ tập theo nhóm lớn sẽ tiếp tục bị hạn chế. Báo cáo của Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cho biết việc các nhóm nên được giới hạn ở mức 50 người hoặc thấp hơn.
Điều này sẽ cản trở việc tổ chức đám cưới, sự kiện thể thao hoặc hòa nhạc, hay việc hoạt động trở lại của các phương tiện giao thông công cộng. Nhiều trung tâm thương mại, phòng gym, nhà hàng, quán bar và địa điểm tôn giáo có thể sẽ phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần. Nhiều văn phòng và nhà máy cũng sẽ chung hoàn cảnh. Du lịch cũng đối mặt với nhiều hạn chế nghiêm ngặt, đặc biệt khi nhiều quốc gia đã kiểm soát được dịch sẽ tìm cách ngăn một đợt bùng phát mới.
Thời gian và địa điểm của các biện pháp hạn chế có lẽ sẽ được nới lỏng, do số ca nhiễm nội bộ giảm hoặc những áp lực về chính trị và kinh tế. Nhưng chừng nào virus còn tồn tại ở nơi nào đó trên thế giới, mối đe dọa về một đợt bùng phát mới và việc phong tỏa trở lại vẫn còn duy trì.
Với những thông điệp mâu thuẫn từ các quan chức chính phủ, phần lớn gánh nặng hàng ngày về việc quyết định hành động nào đáng để mạo hiểm sẽ đặt lên vai những người dân thường. Ngay cả khi giới chức cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại, nhân viên và khách hàng sẽ không quay lại nếu họ thấy điều đó không an toàn.
Khi sự tác động của Covid-19 vượt quá tầm kiểm soát và có lẽ cả sự hiểu biết của con người, điều khiển cuộc sống hàng ngày, những quy tắc và tiêu chuẩn có thể thay đổi rất nhanh để thích nghi.
"Mất kiểm soát những thói quen, cảm giác bình thường, sự tự do, những cuộc gặp gỡ trực tiếp và nhiều hơn thế" là những gì mọi người đã phải trải qua trong đợt dịch SARS năm 2003, theo Sim Kang, nhà tâm lý học tại Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore.
Nhiều nghiên cứu về các đợt bùng phát SARS, Ebola, cúm lợn đều phát hiện sự gia tăng khá phổ biến của tình trạng lo lắng, trầm cảm và tức giận. Nhưng đồng thời những nghiên cứu này cũng cho thấy sự gia tăng của các hành vi nhằm lấy lại sự tự chủ và kiểm soát, như tập trung vào chế độ ăn uống và vệ sinh, hoặc đọc tin tức nhiều hơn.
"Khi cuộc sống thay đổi hoàn toàn trong thời gian dài, con người cũng thay đổi theo", Luka Lucic, nhà tâm lý học nghiên cứu về ảnh hưởng của chiến tranh tại Viện Pratt, ở New York, Mỹ, cho hay.
Nghiên cứu của ông về những người sống sót sau cuộc vây hãm ở thành phố Sarajevo đã phát hiện nhiều người có nhận thức về không gian rất cao, một kỹ năng tránh bom đạn mà họ mang theo suốt cuộc đời. Và thói quen đeo khẩu trang cũng trở nên phổ biến trong những xã hội từng bị SARS và MERS tấn công, ngay cả khi họ chỉ bị cảm cúm thông thường.
Khi Covid-19 được kiểm soát, ác cảm với người lạ hoặc các nhóm lớn và mối đe dọa họ có thể lây nhiễm bệnh sẽ có thể ghim trong tâm trí mọi người suốt nhiều năm sau. Để minh họa cho điều này, ông Bozovic chia sẻ cho tới giờ vẫn tránh đi qua một con đường gần nhà, nơi thường xảy ra các vụ bắn tỉa trong thời chiến tranh.
"Tôi nghĩ mình đã không đi trên con đường đó rất lâu rồi. Nỗi ám ảnh đó vẫn đọng lại trong tâm trí tôi. Tôi chắc chắn rằng nó sẽ giống những gì đang xảy ra", ông nói.
Ông Bozovic cho biết thêm dù các thay đổi lớn hơn rất khó dự đoán, nhưng có một điều hiển nhiên là, "Tôi nghĩ nó sẽ thay đổi sâu sắc cách chúng ta tiếp xúc với người khác".
Theo biên tập viên Fisher, sự thay đổi tâm lý lớn nhất giữa lúc khủng hoảng lan rộng có thể sẽ là điều mà mọi người hay gọi là "hành vi ủng hộ xã hội", như quan tâm hàng xóm, giúp đỡ người nghèo và chăm sóc bạn bè.
Trong đợt dịch SARS, Sim Kang cho biết mọi người đã giúp đỡ nhau theo những cách có lẽ họ chưa từng làm trước đó. Và giờ điều này đang lặp lại, thậm chí ở Singapore, thành phố nổi tiếng về lối sống tư bản và cạnh tranh. Ông nói thêm những thay đổi về tư duy không chỉ phản ánh lòng bao dung nhất thời và còn là những cảm xúc sâu sắc hơn kéo dài suốt cuộc khủng hoảng.
"Mọi người đã kích hoạt tất cả các cách khác nhau để tạo ra sự đoàn kết trong khủng hoảng", Dipali Mukhopadhyay, nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về cách xã hội thay đổi trong xung đột tại Đại học Columbia, Mỹ, nhận định.
Tại Daraya, vùng ngoại ô Damascus bị vây hãm suốt thời gian dài ở Syria, Mukhopadhyay đã thấy mạng lưới từ thiện và hỗ trợ được thiết lập nhiều hơn trong các xã hội hòa bình.
Điều tương tự đang xuất hiện ở New York, nơi các khu phố đã thiết lập các nhóm hỗ trợ địa phương khi bản năng trong mỗi người nhận thấy họ cần quan tâm tới cộng đồng của mình, theo Mukhopadhyay.
Trong những giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh, mọi người thường bị giằng xé giữa việc phải chống lại thực tế hoặc là chấp nhận nó. Họ có thể đày đọa bản thân khi cố gắng duy trì sự bình thường hoặc cố gắng đếm ngược tới ngày nó trở lại, giống nhiều người hiện giờ.
Theo những người tồn tại sau chiến tranh như Bozovic, giải phóng chỉ đến khi mọi người chấp nhận những điều khó có thể nghĩ tới trong những lúc bình thường. Biên tập viên Fisher nhận định cá nhân mỗi người có rất ít sự kiểm soát những mối nguy hiểm đang dần lớn lên và đe dọa tới tính mạng của mình.
"Đó là cách những người ở Afghanistan đang sống. Bạn sẽ không biết ngày mai sẽ như thế nào và có thể nó sẽ tệ hơn ngày hôm qua. Do đó, họ sẽ chỉ sống ở hiện tại", Mukhopadhyay nói.
Các kế hoạch thường chỉ là các dự kiến ngắn hạn. Mọi người tận hưởng niềm vui khi mối nguy hiểm lắng xuống dù có thể không kéo dài. Bạo lực và chia rẽ vẫn còn khiến mọi người đau khổ, nhưng ít nhất họ sẽ không "vỡ mộng" khi không đặt kỳ vọng vào cuộc sống bình thường và được kiểm soát.
Fisher nhận định trong nhiều tháng sắp tới, những sự kiện được lên kế hoạch như hòa nhạc hay đám cưới chỉ được tính trước vài ngày hoặc vài tuần, dù các biện pháp kiểm soát có được dỡ bỏ, vì nó có thể được áp lại bất kỳ lúc nào. Kinh doanh, du lịch và thậm chí là các mối quan hệ cũng sẽ mang tính cơ hội và ngắn hạn hơn.
"Đối với tôi, điều đó có nghĩa là khả năng chịu đựng. Nó là sự chấp nhận và thích nghi thay vì chống đối và đau khổ. Tôi nghĩ rằng đó là bí quyết tồn tại qua khó khăn trong thời gian dài", Mukhopadhyay nói.
Nhiều nhà nghiên cứu phát hiện ra trong các cuộc khủng hoảng quá khứ, những chấn thương nặng nề nhất chỉ xuất hiện sau khi mọi thứ kết thúc. "Điều mà chúng tôi biết từ chiến tranh là các chấn thương đã có sẵn trong khi bạn chiến đấu nhưng các vấn đề chỉ được phơi bày sau đó", Stephen Blumenthal, nhà tâm lý học ở London, Anh, chia sẻ.
Cho tới khi khủng hoảng qua đi, chấn thương sẽ bộc lộ theo nhiều cách khác nhau. Mọi người có thể phải tìm cách điều chỉnh cảm xúc, dễ cáu giận và hoảng loạn hơn. Ngoài ra, nó cũng có thể dẫn tới tình trạng mất ngủ hoặc lạm dụng thuốc và các chất kích thích.
Ông Bozovic bất ngờ xuất hiện triệu chứng hậu chấn tâm lý năm 2006, hơn 10 năm sau khi cuộc vây hãm kết thúc.
"Bằng cách nào đó, tất cả chúng ta sẽ sống chung với điều này. Tôi không biết sự lo lắng đó sẽ được thể hiện như thế nào nhưng chúng luôn tồn tại ở đó", ông nói.
Đây là một dự đoán phổ biến của rất nhiều người từng sống sót sau khủng hoảng. Fisher nhận định con người có thể ngạc nhiên khi thấy bản thân dễ dàng quay lại với cuộc sống như trước, nhưng một hoặc nhiều năm sau nỗi sợ tiếp xúc sẽ dẫn tới những thay đổi cơ bản.
"Lo lắng sẽ tồn tại rất lâu và có thể thay đổi sâu sắc cách mọi người tương tác trong thời gian dài. Có thể là mãi mãi", ông Bozovic nhận định.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)