
Đầu mũi tên sắt 1.500 năm tuổi. Ảnh: Ancient Origins.
Các nhà khảo cổ phát hiện đầu mũi tên bằng sắt dài 18 cm và nặng khoảng 30 gram trên sông băng Jotunheimen, công viên quốc gia Jotunheimen, miền nam Na Uy, Ancient Origins hôm 9/3 đưa tin. Ngoài đầu mũi tên, họ còn tìm thấy phần thân và một ít lông gắn ở phía đuôi.
"Ba công viên quốc gia hội tụ ở khu vực thuộc miền trung Na Uy này nhưng Jotunheimen là nổi bật nhất. Nơi đây có 250 đỉnh núi cao hơn 1.900 m, bao gồm Galdhopiggen và Glittertind, hai đỉnh núi cao nhất Bắc Âu", nhà nhân chủng học Shoshi Parks, thành viên của Chương trình Khảo cổ Sông băng, cho biết.
Đến nay, nhóm nhà khoa học nghiên cứu Jotunheimen đã tìm thấy hơn 2.000 đồ tạo tác gồm công cụ săn bắn, vải, da, quần áo. Trong đó, vật cổ xưa nhất khoảng 6.000 năm tuổi. Ngoài ra, họ cũng phát hiện những dấu tích của động vật như sừng, xương và chất thải.
Trong vài năm qua, nhiều sông băng của Na Uy đang tan nhanh do biến đổi khí hậu. Điều này giúp giới khoa học tìm thấy nhiều cổ vật trong băng. Tuy nhiên, tình trạng này cũng khiến các đồ tạo tác nhanh hư hại nếu không được phát hiện kịp thời.
Na Uy không phải nơi duy nhất mà cổ vật trong băng lộ diện khi xảy ra biến đổi khí hậu. Tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở tây nam Alaska tan chảy để lộ khoảng 2.500 đồ tạo tác, trong đó có giỏ và mặt nạ gỗ. Băng tan đang đe dọa cổ vật nằm trong sông băng và biến đổi khí hậu gây ra nhiều vấn đề ở Vòng Bắc Cực, theo Jørgen Hollesen, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch.
Thu Thảo (Theo Ancient Origins)