![]() |
Đây không phải là lần đầu tiên, mối liên quan giữa sóng âm thanh và cá voi được đưa ra. Từ nhiều năm nay, các nhóm môi trường đã tranh luận rằng chính các sóng sonar là mối họa với những thành viên trong bộ cá voi (gồm cá voi, cá heo và cá heo mỏ). Thậm chí hai tháng trước, một tòa án liên bang đã yêu cầu hải quân Mỹ không được thử nghiệm một hệ thống sonar mạnh trên hầu hết các vùng biển của thế giới để thăm dò tàu ngầm, do lo ngại rằng các âm thanh dữ dội thoát ra từ hệ thống này có thể gây hại "không thể cứu chữa" đối với cá và cá voi.
Mới đây, các nhà khoa học Anh và Tây Ban Nha, đã củng cố thêm giả thuyết trên với việc khám phá ra những tổn thương trong gan và thận của những động vật này, trong đó có hiện tượng sủi bong bóng, lần đầu tiên được khoa học nghiên cứu về bệnh lý của cá voi biết đến.
Các nhà nghiên cứu cho biết bọt bóng tìm thấy trong mô của động vật rất giống với “bệnh khí ép” mà các thợ lặn mắc phải khi nổi lên thật nhanh từ dưới nước sâu. Khi nổi lên đột ngột như vậy, áp suất nước giảm làm nitơ trong máu giãn nở nhanh, tạo nên những bọt khí gây tắc mạch máu.
Một ví dụ mà nhóm nghiên cứu đưa ra là cái chết của 14 con cá voi trong một cuộc tập trận của hải quân quốc tế, do Tây Ban Nha đứng đầu trên quần đảo Canary. Khoảng 4 tiếng sau khi thiết bị sonar tần số trung được bật lên, 14 con cá voi này bị mắc cạn rồi tử vong trên các bãi biển của vùng Fuerteventura và Lanzarote. Khi mổ tử thi của 8 con cá heo mỏ, một nhóm các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tìm thấy tất cả chúng đều có dấu hiệu bị hủy hoại bởi bệnh giảm áp. Vụ việc này đã buộc hải quân Tây Ban Nha đi đến quyết định cấm những cuộc thử nghiệm nguy hiểm hơn nữa với cá voi.
Cùng lúc đó, các nhà nghiên cứu thuộc Viện động vật học, Hiệp hội Động vật học London cũng tìm thấy bọt khí trong các mạch máu và hiện tượng xuất huyết nội tạng của những con cá voi mắc cạn trên bờ biển Anh từ giữa tháng 10/1992 đến tháng 1/2003. Tiến sĩ Paul Jepson, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi khám phá ra rằng một số nhỏ động vật mắc cạn có các bóng khí, đi kèm với tổn thương mô. Mặc dù bệnh giảm áp trước kia không được nói tới trên động vật có vú ở biển, rõ ràng một dạng bệnh như vậy là nguyên nhân khả dĩ nhất”.
Jepson cũng cho biết “điều này dường như xảy ra chủ yếu với các động vật lặn sâu, vì ở độ sâu đó, chúng hấp thụ nhiều nitơ trong mô hơn, và do đó gặp nhiều nguy hiểm hơn khi nổi lên mặt nước”.
“Cá heo mỏ có hàm lượng nitơ cao nhất, do vậy chúng có nguy cơ tử vong lớn nhất. Cá voi sừng tấm không thường xuyên lặn sâu như vậy, nhưng cá nhà táng thì có, và chúng có thể gặp nguy hiểm tương tự cá heo mỏ”, Jepson nói.
Song, các nhà khoa học vẫn chưa rõ là sóng âm dưới nước đã trực tiếp tác động tới cá voi (bằng cách kích thích lên mô của chúng), hay chỉ là gián tiếp (bằng cách khiến những động vật này hoảng sợ đến mức phải lao quá nhanh lên mặt nước), dẫn đến hậu quả như vậy.
B.H. (theo BBC)