Gần đây, nghi vấn ca sĩ Sơn Tùng - MTP đạo nhạc gây chú ý trong dư luận. Anh là ca sĩ trẻ thuộc thế hệ 9X sở hữu nhiều bài hát "hit" như Em của ngày hôm qua, Cơn mưa ngang qua, Nắng ấm xa dần... Tuy nhiên, cả ba ca khúc đưa tên tuổi anh đến gần với khán giả đều giống với các ca khúc Kpop.
Góp mặt trong danh sách đề cử "Bài hát yêu thích 2014", Em của ngày hôm qua do Sơn Tùng sáng tác bị dư luận chỉ ra một số đoạn nhạc khá giống với Every night của nhóm nhạc EXID (Hàn Quốc). Ngoài ra, Cơn mưa ngang của anh cũng có phần beat giống với ca khúc Sarangi Mareul Deutjianha của nhóm nhạc Namolla Family ra mắt năm 2010.
Ngoài Sơn Tùng, một số ca sĩ - nhạc sĩ trẻ thời gian qua cũng dính nghi vấn đạo nhạc nước ngoài. Ca khúc Dành cho em do Hoàng Tôn sáng tác có phần beat giống với Only one love của nhóm The One (Hàn Quốc). Butterfly của Mr.T do Trang Pháp thể hiện bị phát giác sao chép nguyên phần beat bài Flower của nhóm B2ST...
Khi ca khúc, sản phẩm âm nhạc bị dư luận phát hiện là sao chép, các tác giả đã biện minh, đó là sự học tập, ảnh hưởng hoặc do trùng hợp ngẫu nhiên.
“Tôi xin khẳng định tôi không sử dụng bất kỳ giai điệu nhạc ngoại nào để sáng tác ca khúc. Tôi chỉ thừa nhận việc sử dụng và lấy cảm hứng từ beat nhạc ngoại, bởi đó là cách làm quen thuộc hiện nay của nhiều người”, Sơn Tùng phân trần. Mr.T cũng thừa nhận sử dụng beat của Flower để sáng tác ca khúc Butterfly. Anh cho biết chỉ sử dụng lại một phần beat và đưa vào sáng tạo riêng của bản thân trong giai điệu ca khúc này.
Mượn beat để phổ lời không phải là chuyện hiếm trên thế giới. Nhưng khi được đưa ra biểu diễn và quảng bá, hầu hết các ca sĩ đều phải ghi rõ nguồn. Đơn cử, Jennifer Lopez công khai việc cô mượn ca khúc Lambada để đưa vào đoạn đầu bài hit On the floor. Thế nhưng, các ca sĩ Việt Nam không hề coi trọng việc này. Họ mượn beat nhưng vẫn đề tên tác giả là chính mình.
Những lùm xùm đạo nhạc này không mới và đã tồn tại âm ỉ trong làng nhạc Việt nhiều năm qua, kể từ khi Tình thôi xót xa của nhạc sĩ Bảo Chấn, hay một số ca khúc của Quốc Bảo bị người nghe nhạc phanh phui. Ngày nay, việc sao chép không dễ xác định bởi các tác giả trẻ thường chỉ sử dụng một beat nhạc hay một câu nhạc nào đó mà họ ưng ý để phát triển thành bài của mình. Việc này tạo nên những dư luận trái chiều.
Tuy nhiên, giới chuyên môn và khán giả vẫn bày tỏ bức xúc vì cho rằng, việc làm này không tôn trọng bản quyền trong sáng tạo nghệ thuật.
Trên trang cá nhân, khán giả Việt Phong bình luận: "Từ bao giờ, trong thị trường nhạc Việt, cái suy nghĩ lấy beat của người khác về dùng là chuyện rất bình thường của các nhạc sĩ trẻ? Khái niệm về sự sáng tạo trong nghệ thuật và danh xưng nghệ sĩ liệu có còn là những điều để khán giả kỳ vọng cho một tương lai nào đó xán lạn hơn của nhạc Việt?".
Sau khi biết bài Butterfly sử dụng beat của một ca khúc Hàn Quốc, Trang Pháp chia sẻ, cô không khỏi xấu hổ và xin lỗi khán giả. "Ca sĩ có thể vô tình hoặc cố tình mắc lỗi, nhưng sự chối bỏ thì không có tác dụng gì ngoài việc làm tổn hại tình cảm khán giả dành cho mình", cô nói.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh bày tỏ quan điểm trên Facebook: "Các ca khúc trên thế giới có thể có nhiều bài trùng nhau về vòng hoà thanh, nhưng không thể giống cả hòa thanh và hòa âm. Một nhạc sĩ khi hoà âm một bài hát, họ có bản quyền chất xám của mình trên bản hoà âm đó. Nếu một nghệ sĩ muốn dùng bản hoà âm đó để viết nhạc thì phải mua, hoặc có sự đồng ý của tác giả, cho dù họ có thay đổi giai điệu hay không".
Theo anh, nếu lấy một bản hoà âm đã có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác để viết một giai điệu mới lên thì vẫn gọi là lấy cắp. Bởi, việc này chưa được sự đồng ý của tác giả. Khi ca sĩ đã thu lợi nhuận từ việc biểu diễn, bán nhạc chuông nhạc chờ từ những ca khúc này thì lại càng phạm luật.
"Ngày xưa, thời của nhạc cổ điển thì luật bản quyền chưa tồn tại. Vì vậy có rất nhiều người sử dụng nhạc cổ điển để cho vào ca khúc của mình, điều đó hoàn toàn đúng luật. Hơn nữa, họ vẫn luôn luôn tôn trọng người nhạc sĩ sáng tác, và luôn để rõ ràng tên của họ. Ở thời hiện đại, từ khi âm nhạc có thể được kinh doanh và làm ra lợi nhuận thì bản quyền là cực kỳ quan trọng. Các bạn trẻ không nên lầm tưởng là lấy beat của người khác viết nhạc là điều đáng làm. Ngược lại, đó là điều đáng tránh", anh viết.
Trả lời về vấn đề này, nhạc sĩ Hoài An cho biết: "Một sản phẩm âm nhạc (ca khúc) cần sự sáng tạo hài hòa các yếu tố: giai điệu, ca từ (người sáng tác), hòa âm, phối khí (nhạc nền - hay còn gọi là beat - do nhạc sĩ hòa âm, sáng tác thực hiện) và xử lý ca khúc (ca sĩ). Ngoài ra còn có phần xử lý bản mix của phòng thu... Trên thế giới, đôi khi có vài bản phối người ta đưa vào một đoạn nhạc cực kỳ nổi tiếng để tạo thêm một không gian mới lạ cho tác phẩm. Đương nhiên, việc này có xin phép bản quyền hẳn hoi. Việc lấy nguyên beat nhạc (không xin phép người hòa âm) để viết bài mới là có nhưng không nhiều".
Theo Hoài An, nhạc sĩ - ca sĩ Việt tự ý lấy beat nhạc trên mạng là hành vi vi phạm bản quyền trong Luật sở hữu trí tuệ.
"Cá nhân tôi nói riêng và nhiều anh em đồng nghiệp nói chung cũng không thích điều này. Hạnh phúc và niềm tự hào của người nghệ sĩ là sự sáng tạo về cả âm nhạc và thông điệp cuộc sống, tại sao mình không tận hưởng điều đó chứ", nam nhạc sĩ nhấn mạnh.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: "Theo tôi, đã là một người theo thiên hướng sáng tạo, thì việc học hỏi cũng nên có giới hạn của nó. Bản thân mình phải luôn cố gắng tạo ra nét riêng trong từng tác phẩm. Một tác phẩm nên là sản phẩm sáng tạo hoàn toàn từ cả phần nhạc và phần lời, như vậy mới là niềm tự hào, một niềm hạnh phúc đối với người viết nhạc thật sự, viết vì đam mê của mình".
Tuy nhiên, nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ" tỏ ra thông cảm cho các nghệ sĩ trẻ. Theo anh, đối với những người trẻ mới bước vào nghề, việc sáng tác dựa trên beat của các bài nhạc nước ngoài cũng là cách để họ lấy cảm hứng sáng tác. Và nhiều lúc, họ bị áp lực vì thành công, danh tiếng hoặc tiền bạc nên họ trượt dài trong việc làm này, trở thành thói quen mà không biết.
Tâm Giao