Từ 18h tối 12/3, lễ trao giải Cánh Diều 2014 diễn ra tại TP HCM. Với 17 phim tranh giải ở hạng mục phim truyện, giải thường thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam được đánh giá tăng cao về số lượng. Dù vậy, chất lượng các phim bị giám khảo đánh giá là chưa đồng đều. Trong đó, phim mang yếu tố giải trí - hài chiếm số lượng áp đảo. Thậm chí, có giám khảo còn cho rằng, phim năm nay có biểu hiện sa sút về mặt nội dung và hình thức thể hiện. Do chất lượng không đồng đều, việc chọn ra các giải Nam, nữ diễn viên xuất sắc ở mùa giải năm nay không dễ.
Ứng viên sáng giá cho danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc nhiều khả năng dành cho Sơn Tùng M-TP hoặc Quý Bình.
Sơn Tùng, sinh năm 1994, thuộc hàng diễn viên trẻ nhất Cánh Diều 2014. Với vai diễn đầu tay là ca sĩ Đình Phong trong bộ phim Chàng trai năm ấy của đạo diễn Nguyễn Quang Huy, anh có cơ hội thể hiện tài năng diễn xuất. Theo mạch phim, càng về cuối Sơn Tùng càng ghi dấu nhiều hơn trong việc mô tả tâm lý nhân vật. Anh khắc họa được nỗi đau giấu bên trong hình ảnh một người trẻ nhí nhố, lạc quan. Đoạn độc thoại đẫm nước mắt cuối phim của nhân vật Đình Phong được không ít người đánh giá là trường đoạn khó thể hiện ngay cả với diễn viên chuyên nghiệp.
Diễn viên Quý Bình tham gia đến ba bộ phim tranh giải Cánh Diều là: Quả tim máu, Năm sau con lại về, Tốc độ và đường cong. Trong đó, nhân vật Nin - vai nam chính của anh trong phim Tốc độ và đường cong - bật lên với cá tính gai góc, chứa đựng bất ngờ trên màn ảnh. Để khắc họa được hình ảnh chàng trai người Thái gốc Việt đam mê môn đua xe hơi và giấu trong mình bí mật về quá khứ đau thương, Quý Bình được khai thác vẻ ngoài điển trai, bụi bặm cùng lối diễn xuất lạnh lùng, dồn nén. Hình ảnh Nin cuối phim để lại nhiều ám ảnh cho người xem.
Tuy xuất hiện trong một bộ phim ăn khách, không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, diễn xuất của Thái Hòa trong Để Mai Tính 2 cũng gây nhiều chú ý. Thái Hòa vẫn được Charlie Nguyễn chọn là “con át chủ bài” để tạo nên tiếng cười và sức hút cho bộ phim. Thái Hòa đã duy trì rất tốt phong độ của một “ông vua phòng vé” trong phim này. Từ dáng vẻ, ngôn từ đến cử chỉ của anh đều cuốn hút khán giả.
Hạng mục dành cho nữ diễn viên khó đoán vì mặt bằng diễn xuất của họ chưa thật nổi bật. Gương mặt nhỏ tuổi Thanh Mỹ có thể là ứng viên sáng giá. Diễn xuất của Thanh Mỹ để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả trong phim kinh dị Đoạt hồn. Từ trước đến nay, các diễn viên thiếu nhi trong phim Việt vẫn bị đánh giá là khá gượng gạo, nói thoại như "đọc bài" nhưng Thanh Mỹ là một diễn viên đầy hứa hẹn cho điện ảnh Việt Nam. Trường đoạn cô bé Ái từ từ ngồi dậy trong nhà xác và những chuyển biến tâm lý khi bị “đoạt hồn” rất thu hút và có sức thuyết phục.
Gần một thập kỷ sau dấu ấn với vai Dần trong Áo lụa Hà Đông, Trương Ngọc Ánh tái xuất màn ảnh rộng với Hương Ga - bộ phim hành động của đạo diễn Cường Ngô. Dù phim có kịch bản lỏng lẻo, chỉ mạnh về đánh đấm, Trương Ngọc Ánh vẫn phần nào thể hiện được thần thái của bà trùm xinh đẹp, quyến rũ, có số phận truân chuyên. Chị cũng cho thấy nhiều nỗ lực làm mới mình khi lần đầu diễn xuất trong dòng phim hành động.
Trái ngược với nhân vật của Trương Ngọc Ánh, vai Linh của Nhã Phương trong Quả tim máu là một cô gái hiền dịu, mong manh nhưng không đậm dấu ấn.
Danh sách 17 phim truyện điện ảnh tham gia tranh giải Cánh Diều 2014 gồm có: Sống cùng lịch sử (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), Những đứa con của làng (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), Mộ gió (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), Bước khẽ đến hạnh phúc (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Chàng trai năm ấy (đạo diễn Quang Huy), Mất xác (Đỗ Thành An), Lạc giới (Phi Tiến Sơn), Hương Ga (Ngô Quốc Cường), Quả tim máu (đạo diễn Victor Vũ), Scandal: Hào quang trở lại (Victor Vũ), Để mai tính 2 (Charlie Nguyễn), Đoạt hồn (Hàm Trần), Hiệp sĩ mù (đạo diễn Lưu Huỳnh), Tốc độ và đường cong (Phan Minh Mẫn), Năm sau con lại về (Trần Ngọc Giàu), Bí mật lại bị mất (Nhật Cường - Lý Hải). |
Thoại Hà