Tác phẩm Bố cục của Đặng Thu Hương. |
Đặng Thu Hương có khả năng sáng tác đa dạng trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, lụa, giấy dó... song sơn mài là chất liệu chị ưu ái hơn cả. Chị say mê đi vào lĩnh vực này, không quản gian nan vất vả của quá trình lao động với sơn, mà ngược lại, rất thích yếu tố bất ngờ do sơn mài tạo ra.
Những năm gần đây, nhiều họa sĩ trẻ muốn hiện đại hoá nhanh ngôn ngữ sơn mài của mình bằng cách đưa vào các chất liệu pha tạp khác nhau, thích tạo ra các ấn tượng thô mạnh, lồi lõm của bề mặt, thì Đặng Thu Hương vẫn trung thành tuyệt đối với kỹ thuật sơn ta truyền thống. Đối với chị, sơn ta có vẻ đẹp óng ả, sâu thẳm đặc biệt, không gì thay thế được. Chị hiểu thuộc về sơn ta sâu sắc như người ươm hoa quý nhìn thời tiết biết ngày hoa kết trái, biết chờ đợi, biết nâng niu độ trong suốt của sơn cũng như xử lý các sắc thái khác nhau của son, then, vàng, bạc...
Tuy nhiên, Đặng Thu Hương trân trọng và phát huy kỹ thuật truyền thống chứ không đi theo lối mòn tư duy truyền thống. Tranh của chị có bố cục trang trí mới lạ và hiện đại. Chị khám phá cho mình những hình tượng mới, có sự biến ảo giữa hiện thực với trừu tượng, giữa có hình và không hình (Bình phong Hoa chuối, 5 tấm, Hoa phù dung, 3 tấm) hoặc tạo ra các bề mặt trừu tượng thuần tuý, có sự chuyển đổi hài hoà đặc sắc giữa các mảng vân màu quý hiếm. (Bố cục - son trai, 3 tấm, Bố cục - son then, 3 tấm).
Sáng tác của chị những năm gần đây, giai đoạn 1995-1999, vẫn tôn vinh vẻ đẹp lộng lẫy, chìm ẩn và huyền bí theo tính cách phương Đông của sơn màu, vẫn là son - then - vàng - bạc quen thuộc, mà hết sức độc đáo, hấp dẫn ở cách nhìn và các mô típ trang trí hiện đại. Có thể nói, chị đã tạo ra nét mới cho sơn màu Việt Nam. Cái mà Đặng Thu Hương yêu thích nhất từ xưa tới nay vẫn là các loại hoa: mẫu đơn, ngọc trâm, phù dung, cúc, violet... Chị thuộc chúng tới mức có thể cách điệu thoải mái, phóng túng trong các bố cục sơn mài đầy tính sáng tạo, biến chúng thành các mô típ và tiếng nói nghệ thuật của riêng mình.
(Theo TTVH)