Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Sơn La, ông Hà Quyết Nghị cho biết, huyện Mai Sơn bị thiệt hại nặng nhất do lượng mưa hôm nay tới gần 200 mm. Hơn 200 hộ dân ven sông suối, tập trung ở xã Chiềng Mung, thị trấn Hát Lót bị ngập sâu đã được di dời khẩn cấp trong sáng nay.
"Hiện còn khoảng 1.300 hộ dân sống ven sông suối bị ngập đến tận nóc nhà cấp 4 và đang được di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Đến giờ phút này, chưa có thông tin thiệt hại về người, nhiều cây cối, hoa màu bị ngập nặng", ông Nghị cho biết.
Bão làm đổ nhiều cây cối trong tỉnh Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La. |
Mưa lớn đã tàn phá hệ thống giao thông của tỉnh. Quốc lộ 6 đi Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu; quốc lộ 4G sang Lào; quốc lộ 37 đi Phú Thọ và quốc lộ 279 đi Lai Châu, Lào Cai đều ngập sâu và sạt lở, gây ách tắc hoàn toàn.
"Cố gắng lắm quốc lộ 6 mới được thông vào tối nay, còn một số quốc lộ và toàn bộ tỉnh lộ trong tỉnh phải chờ nước rút", ông Đinh Đức Chủ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La cho biết.
Hiện Sơn La mưa rất to và theo dự báo vài ngày tới còn mưa tiếp. "Chúng tôi rất lo mưa nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành lũ quét, sạt lở đất. Lúc ấy thiệt hại sẽ khôn lường", Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Quyết Nghị lo lắng.
Ngoài Sơn La, ảnh hưởng của bão số 6, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc cũng có mưa, nhưng không lớn và chưa gây thiệt hại. Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Bào nói: "Đến giờ có thể thở phào nhẹ nhõm. Tâm bão đi qua Hà Giang, nhưng chỉ gây gió nhẹ, mưa nhỏ, không có khả năng xuất hiện lũ".
Bão số 6 có tên quốc tế là Hagupit, hình thành từ ngày 21/9. Trên đường từ vùng biển phía đông của Philippines vào biển Đông, bão di chuyển rất nhanh (20-25 km mỗi giờ) và liên tục mạnh thêm từ cấp 11 đến cấp 15.
Rất may khi vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và tiệm cận các đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô của Quảng Ninh, bão đã suy giảm chỉ còn cấp 6-7. Khi đổ bộ vào Cao Bằng, Hà Giang, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồng Khánh