Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La nêu, việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nhằm "đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh". Tỉnh cũng đánh giá đây là "một thiết chế văn hoá đặc biệt quan trọng mang tính lịch sử, giáo dục, truyền thống và nhân văn sâu sắc, là di sản văn hoá vô giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau".
Việc xây dựng quảng trường nơi đặt tượng đài nhằm "tôn vinh lãnh tụ và góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của thành phố Sơn La".
Theo dự kiến, quần thể được xây dựng trên diện tích khoảng 20 ha gồm các hạng mục: nhóm tượng đài Hồ Chủ tịch (cao 5-8 m); quảng trường có sức chứa 20.000 người. Ngoài ra còn có đền thờ Hồ Chủ tịch; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; bảo tàng tổng hợp... gần trục giao thông chính như phường Tô Hiệu, Chiềng Cơi, Quyết Thắng.
Công trình có mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và xã hội hóa, sẽ động thổ ngày 11/10 nhân 120 năm thành lập tỉnh và hoàn thành vào năm 2019.
Tượng đài Hồ Chủ tịch với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nằm trong quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 10/2014. Theo đề án, ngoài Sơn La, tượng đài lãnh tụ còn được xây dựng tại 14 tỉnh khác.
Trao đổi với VnExpress chiều 4/8, người phát ngôn Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phan Đình Tân cho biết, văn phòng Bộ chưa nhận được báo cáo từ tỉnh Sơn La về đề án xây dựng khu tượng đài - quảng trường với kinh phí 1.400 tỷ đồng này.
Nêu quan điểm cá nhân, PGS.TSKH Phan Đình Tân cho rằng cần cân nhắc lại việc đầu tư kinh phí quá lớn trong lúc đất nước còn khó khăn, đặc biệt là bối cảnh thiên tai gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền núi phía Bắc. "Kể cả sử dụng kinh phí xã hội hóa, chứ chưa nói đến kinh phí từ ngân sách, chúng ta cũng nên xem xét kỹ lưỡng vì tiền nào cũng là mồ hôi xương máu của nhân dân", ông Tân nói.
Theo chuyên gia văn hoá này, nếu nói xây dựng khu tượng đài "là thể hiện tình cảm của nhân dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh" thì nhiều hơn 1.400 tỷ đồng vẫn chưa đủ. Nếu lấy lý do cần công trình tầm cỡ để phát triển du lịch thì phải nhìn nhận thực tế, ngay các công trình sẵn có ở Sơn La như thuỷ điện vẫn chưa phát huy được công dụng này.
"Có ai cam kết khi xây dựng xong tượng đài Bác Hồ thì Sơn La sẽ phát triển mạnh? Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời là người cực kỳ tiết kiệm. Bác đã có những chỉ đạo cụ thể về tính tiết kiệm, tránh lãng phí, phô trương, hình thức mà chúng ta cần phải học tập làm theo", PGS.TSKH Phan Đình Tân chia sẻ.
Sơn La có hơn một triệu người thuộc 12 dân tộc cư trú trên diện tích 1,4 triệu ha. Hiện còn khoảng 1.000 xã, bản trong diện đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh miền núi phía Bắc này khoảng 22 triệu đồng mỗi năm.
Theo HĐND tỉnh Sơn La, 6 tháng đầu năm thu ngân sách đạt 1.500 tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán. Tổng thu ngân sách năm ngoái của tỉnh này là 2.800 tỷ đồng.
Năm 1960, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (chất liệu bê tông) được xây dựng tại tỉnh ủy Hà Giang là công trình tượng đài Hồ Chí Minh đầu tiên được xây ngoài trời. Từ đó đến nay, cả nước đã có 101 tượng đài Hồ Chủ tịch trong khuôn viên, trụ sở cơ quan và 31 tượng đài ở trung tâm hành chính, chính trị. Các công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam hiện nay thường được tạo hình ở 3 mẫu: Bác Hồ đứng vẫy tay chào; Bác Hồ ngồi đọc sách, Bác Hồ với các cháu thiếu nhi… Hầu hết công trình có hình dáng, cử chỉ, cách thể hiện hình khối điêu khắc giống nhau. |
Quỳnh Trang