Làm việc với các bộ ngành chiều 21/8, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói mô hình này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của lao động xuất khẩu. Thị trường cũng cần có sàn giao dịch việc làm quốc gia để thực hiện quản lý nhà nước với nguồn nhân lực trong doanh nghiệp khu vực công lập, tư nhân.
"Sàn giao dịch sẽ kết nối thông tin việc làm ở những khu vực mà doanh nghiệp chưa bao phủ", ông Hà nói, giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chuẩn hóa dữ liệu, kết nối các trung tâm, sàn giao dịch việc làm để doanh nghiệp, người lao động tiếp cận đầy đủ, thuận lợi.
Theo Phó thủ tướng, căn cứ pháp lý với các thị trường việc làm, bất động sản, đất đai, khoa học công nghệ ở Việt Nam đã rõ. Mô hình trung tâm môi giới, sàn giao dịch thời gian qua phần nào đáp ứng nhu cầu nhưng bộc lộ hạn chế.
Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết cả nước có 82 trung tâm dịch vụ việc làm công lập và 500 doanh nghiệp dịch vụ việc làm tư nhân để kết nối cung cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, pháp luật chưa thống nhất tên gọi, các giao dịch trực tuyến hoặc trực tiếp. Hạ tầng công nghệ còn lạc hậu; cơ sở dữ liệu việc làm chưa đồng bộ; các trung tâm, doanh nghiệp chưa có sự chia sẻ. Công tác kiểm tra, giám sát tính minh bạch trong giao dịch việc làm còn hạn chế.
Vì vậy theo ông Thanh, xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia là cần thiết để kết nối với các sàn hiện có. Chính phủ cần có quy chuẩn về thu thập, cập nhật dữ liệu việc làm toàn quốc trên sàn.
Cấp bách lập sàn giao dịch bất động sản
Liên quan đến lập sàn giao dịch bất động sản, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đến hết năm 2020, toàn quốc có 1.600 sàn, góp phần hạn chế mua bán phi chính thức, chống thất thu thuế.
Tuy nhiên, luật hiện hành không bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải qua sàn. Điều này ảnh hưởng đến thị trường, quản lý nhà nước và người dân. Quy định về điều kiện lập sàn giao dịch bất động sản còn nhiều bất cập, dẫn đến khó khăn trong quản lý.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định các loại hình bất động sản phải giao dịch qua sàn để bảo vệ lợi ích người dân, chống thất thu thuế, tạo môi trường lành mạnh. Sàn sẽ giúp hình thành công cụ quản lý thông tin Nhà nước, từ đó đưa ra chính sách điều tiết thị trường.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng thị trường mua bán đất đã hình thành nhưng thiếu ổn định và minh bạch, chưa bền vững, chưa liên thông với thị trường sản xuất khác. Thông tin về thị trường mua bán đất chưa đủ nên nhà đầu tư khó tiếp cận đất đai. Cơ chế thu thập thông tin giá đất giao dịch thực tế trên thị trường chưa có.
"Lập sàn giao dịch bất động sản, trong đó có giao dịch về quyền sử dụng đất là cần thiết và cấp bách, tiến tới đồng bộ hóa quản trị quốc gia", Thứ trưởng Ngân nói và kỳ vọng sàn giao dịch bất động sản sẽ làm cơ sở xác định giá đất theo thị trường, hạn chế đầu cơ, tạo bong bóng, chống tham nhũng và rửa tiền.
Đồng tình cần hình thành sàn giao dịch quốc gia về bất động sản và quyền sử dụng đất, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần tạo điều kiện cho các sàn tư nhân phát triển lành mạnh. Các bộ ngành chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế vận hành và trách nhiệm của các sàn với doanh nghiệp, hàng hóa giao dịch.
"Cần có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất mang tính chất dân sự, không có mục đích kinh doanh thực hiện trên sàn giao dịch", ông Hà nói.