Hè 2019, Man Utd sẽ bổ nhiệm cả thảy năm HLV khác nhau sau khi Sir Alex Ferguson giải nghệ. Họ gồm: David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho, tạm quyền Solskjaer, và người sẽ làm chính thức thay Solskjaer.
Cứ mỗi lần Man Utd công bố tân HLV, cuộc tranh luận về nhân dạng của đội bóng lại nổi lên. Những câu hỏi quen thuộc được đưa ra: họ có hiểu truyền thống không, họ có "DNA của Man Utd" không? Họ có phải là người mang tố chất làm HLV của Man Utd không?
Mấy ngày qua, những tranh luận ấy trở lại. Ký giả Michael Cox viết trên ESPN rằng việc thuê Ole Gunnar Solskjaer thay Mourinho là cuộc bổ nhiệm ngạc nhiên nhất lịch sử Ngoại hạng Anh. Dù Solskjaer chỉ làm tạm thời, mùa giải hãy còn hơn phân nửa và Man Utd vẫn đang cạnh tranh tại Champions League. Cox giải thích: "Solskjaer là một HLV sáng sủa, nhưng ông ta chỉ thành công tại NaUy, một giải đấu xếp ngang hàng với giải vô địch Kazakhstan theo cách phân loại của UEFA. Chính Solskjaer đã khiến cho Cardiff City phải xuống hạng năm 2014. Man Utd đang sa sút, nhưng vẫn là CLB lớn nhất nước Anh. Dường như chưa bao giờ, một HLV lại tiến một bước dài đến thế, vào một thời điểm hệ trọng đến thế".
Những người đặt niềm tin vào Solskjaer luôn nhấn mạnh vào khía cạnh "hiểu văn hóa CLB". Anh đã có hơn... một thập kỷ gắn bó với Old Trafford trên vai trò cầu thủ, sau đó lại có thêm vài năm huấn luyện cho đội trẻ. Khi một người có thâm niên như thế trở lại, CĐV tất nhiên phải cảm thấy hồ hởi, đặc biệt là sau khi cảm thấy quá mệt mỏi dưới thời Mourinho.
Nhưng Solskjaer có thực sự hiểu Man Utd không? Nói cách khác, Man Utd... có gì để anh hiểu không? Lịch sử hiện đại của họ được kiến tạo và gìn giữ bởi Sir Alex Ferguson. Đấy là HLV duy nhất có đầy đủ danh hiệu cùng Man Utd trong vòng... nửa thế kỷ gần nhất. Nhưng dưới thời Ferguson, Man Utd hoàn toàn không có tư tưởng chủ đạo, không có triết lý bóng đá. Và chính sự vô bản sắc ấy lại tạo nên một bản sắc khác lạ của Man Utd, khiến "Quỷ đỏ" rất thành công và đáng sợ.
Sir Alex đã biến Man Utd thành một cỗ máy chiến thắng. Vì là cỗ máy, nên không có một chút tình cảm hay câu nệ nào mà thực dụng đến tàn nhẫn. Khi Arsenal của Arsene Wenger chơi bóng đá đẹp, Man Utd đáp trả với thứ bóng đá tấn công đầy mỹ cảm. Khi Mourinho và Rafael Benitez mang sự thực dụng tới đây, Ferguson đáp trả họ với một thứ bóng đá đầy toan tính. Việc thích nghi rất nhanh ấy khiến Man Utd không bị tuột lại và luôn đòi lại vị trí độc tôn rất nhanh.
Dưới thời Ferguson, Man Utd cũng trở thành CLB giàu nhất Anh quốc, khiến họ trở thành chiếc nam châm thu hút những cầu thủ hàng đầu thế giới. CĐV Man Utd không quan tâm đội nhà thắng như thế nào, họ chỉ cần... chiến thắng. Tấn công ào ạt như thuở Ryan Giggs còn son trẻ cũng được, thực dụng tàn nhẫn như khi có Cristiano Ronaldo cũng không sao. Họ không la ó khi đội nhà chịu trận, thứ họ cần là tỷ số sau khi trọng tài thổi còi mãn cuộc.
Như vậy, về cơ bản Man Utd là một đội bóng không có triết lý bóng đá. Vậy thì việc... thấu hiểu văn hóa CLB liệu có giúp ích được gì nhiều hay không? Hãy xem lại cách Man Utd bổ nhiệm người thì rõ: David Moyes thì đá kiểu thuần Anh, Van Gaal coi kiểm soát bóng là chuyện sống còn, đến Mourinho thì chuyển sang thực dụng. Cứ mỗi lần bổ nhiệm người mới là mỗi lần Man Utd cho thế giới thấy họ là một đội bóng không bản sắc.
Ferguson từng biến cái không bản sắc ấy trở thành bản sắc. Nhưng việc ra đi của một nhân vật kiệt xuất nhường ấy khiến Man Utd hẫng hụt. Và ở cái ranh giới của một cuộc rơi tự do, họ tìm đến Ole Gunnar Solskjaer. Nghĩa là giữa lúc nguy cấp, Solskjaer thấy mình lại lãnh nhiệm vụ... vào sân thay người.
Cả một trời ký ức
Rodney Marsh là một cái tên xa lạ với nhiều khán giả. Từng thi đấu trong hai thập niên 1960, 1970 cho Queens Park Rangers, nhưng Marsh chỉ được nhớ đến nhờ một phát biểu bất hủ: "Những gì một HLV phải làm là giữ cho 11 cầu thủ luôn hạnh phúc. Ý tôi là 11 cầu thủ dự bị ấy, vì 11 người đá chính họ vui sẵn rồi".
Cái hay của Sir Alex Ferguson là ông luôn giữ cho 11 cầu thủ dự bị luôn hạnh phúc. Hoặc chí ít, họ không để lộ sự chán chường ấy ra ngoài. Solskjaer chính là một mối quan hệ hoàn hảo mà Rodney Marsh muốn nói tới. Sir Alex viết trong cuốn hồi ký thứ hai của ông: "Tôi rất may mắn vì Ole không bao giờ than phiền. Tôi không nghĩ có bất kỳ cầu thủ nào ở đẳng cấp của cậu ấy lại có thể vui vẻ ngồi dự bị".
Solskjaer tất nhiên không vui, nhưng anh luôn làm mọi người xung quanh cảm thấy dễ chịu. "Cả đời thi đấu cho Man Utd, tôi chưa thấy ai lành như anh ấy", Gary Neville viết trong tự truyện.
Khác những cầu thủ dự bị khác, Solskjaer không ngồi yên chờ đến lượt. Anh luôn quan sát. Chính việc quan sát tỉ mỉ ấy giúp Solskjaer thường ghi bàn mỗi khi được vào sân. Với những cầu thủ dự bị đơn thuần, trận đấu chỉ bắt đầu từ giây phút họ được tung vào sân. Với Solskjaer, trận đấu khởi đầu từ khi trọng tài thổi hiệu còi khai cuộc. Anh quan sát, cố tìm điểm yếu nơi hàng phòng ngự đối thủ. Để rồi khi Sir Alex hô "Ole, khởi động", anh lập tức biết cần phải làm gì để ghi bàn.
Solskjaer đã chơi cùng mọi tiền đạo giỏi nhất trong lịch sử Man Utd. Khi Eric Cantona thi triển tài nghệ tuyệt luân của ông cùng chiếc áo số 7, anh đã ở đó. Những bàn đẹp nhất của Solskjaer thời kỳ đầu đa phần do Cantona kiến tạo. Anh ngồi trên ghế dự bị, nhìn Dwight Yorke và Andy Cole hợp thành một trong những cặp tiền đạo ăn ý nhất mà thế giới từng được biết. Anh cũng ở đó, khi cậu nhóc Wayne Rooney bắt đầu viết lên lịch sử tại Old Trafford. Anh cũng đá cặp với Ruud van Nistelrooy, trung phong ích kỷ, nhưng cũng rất xuất sắc...
Solskjaer đã ở Old Trafford 11 năm. Nghe thông tin này, có không ít người sẽ giật mình, vì không ngờ lâu thế. Bởi vì Solskjaer có bao giờ là một con người ồn ào đâu. Anh cũng không thích dự bị, dù là... siêu dự bị. Nhưng dù khó chịu bao nhiêu, phải dự bị cho biết bao tiền đạo giỏi, Solskjaer cũng không biến anh thành một vấn đề ở Old Trafford. Với đối thủ, Solskjaer là sát thủ. Với đội nhà, anh là trẻ thơ, luôn chờ đến lượt.
Anh là một tiền đạo dự bị, và cũng là một tiền vệ dự bị. Khi Sir Alex Ferguson chịu hết nổi sự đỏng đảnh của David Beckham, đỉnh điểm là vụ "chiếc giày bay" nổi tiếng, ông quyết định sẽ bán Becks cho Real Madrid. Người thay thế Becks ở vị trí tiền vệ cánh phải ngay lúc ấy chính là... Solskjaer.
Trẻ thơ về mái nhà xưa
Có rất nhiều người đã không xem Man Utd thi đấu nữa vài năm trở lại đây. Vì David Moyes khiến đội tầm thường quá, vì Louis van Gaal biến mỗi trận đấu của đội dưới thời ông thành một liều thuốc gây mê cực mạnh. Và vì Jose Mourinho đã xù lông với tất cả, đã biến hai năm rưỡi triều đại của ông thành những màn công kích và những vở bi kịch lâm li bất tận.
Nhưng rồi một ngày, những CĐV đã bỏ đi ấy đều đồng loạt nhìn lại mái nhà xưa Old Trafford, khi Man Utd công bố Solskjaer sẽ trở lại. Siêu dự bị năm nào thấy anh một lần nữa phải vào sân thay người, lần này anh sẽ chơi ở vị trí... cầm quân. Và cũng như như lần trước, anh vào sân với tất cả sự hào hứng, vui vẻ.
Có thể lúc này, Solskjaer chưa phải là một HLV xuất sắc. Nhưng giây phút anh trở lại băng ghế của Man Utd, với chiếc áo vest của nhà cầm quân, với gương mặt đã nhuốm phong sương, đấy hẳn là một giây phút rất đặc biệt của các CĐV.
Ngày anh vào sân và ghi bàn mang về chiếc Cup Champions League cho Man United đã cách đây 19 năm. Thời gian như gió cuốn. Cả một lịch sử đã đi qua.
Và giờ anh trở về nhà, và chợt thấy vui như trẻ thơ!
Hoài Thương