"Chúng tôi đã yêu cầu các đối tác cho chúng tôi thời gian xem xét và đưa ra thủ tục giao thức mới trước khi họ gửi thêm yêu cầu cho tàu quân sự vào đất nước chúng tôi", Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare hôm 30/8 cho hay.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare. Ảnh: AP.
Thông báo được đưa ra sau khi đại sứ quán Mỹ tại Australia cho biết Washington đã nhận được thông báo chính thức từ chính phủ Quần đảo Solomon về tạm hoãn tất cả chuyến thăm của hải quân, chờ cập nhật thủ tục giao thức.
Trước đó, tuần duyên Mỹ hôm 26/8 cho biết tàu tuần tra Oliver Henry không xin được giấy phép cập cảng tại thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon và phải chuyển hướng đến Papua New Guinea.
Ông Sogavare bác thông tin cho rằng tàu tuần duyên Mỹ và tàu hải quân Anh không được phép cập cảng nước này, nói rằng sự chậm trễ trong việc xử lý cấp phép khiến hai tàu phải chuyển hướng. Theo ông, thông tin thích hợp không được gửi đến văn phòng của ông đúng giờ và khi việc phê duyệt được xử lý xong thì tàu đã rời vùng biển Solomon.
"Khi cơ chế mới được áp dụng, chúng tôi sẽ thông báo cho tất cả đối tác. Chúng tôi dự đoán quy trình mới sẽ trơn tru hơn và kịp thời hơn", ông nhấn mạnh.
Động thái của Solomon diễn ra sau khi quần đảo này và Trung Quốc hồi tháng 4 thông báo đã ký hiệp ước an ninh, nhưng không công bố chi tiết. Theo dự thảo hiệp ước bị rò rỉ hồi tháng 3, tàu hải quân Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Bắc Kinh cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Quần đảo Solomon.
Mỹ và các đồng minh nhiều lần bày tỏ lo ngại hiệp ước có thể làm đảo lộn các thỏa thuận an ninh khu vực và tạo chỗ đứng quân sự cho Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc, khẳng định hiệp ước với Quần đảo Solomon chỉ tập trung vào chính sách trong nước, đồng thời chỉ trích phương Tây can thiệp tới chủ quyền của quốc đảo.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese có kế hoạch tiếp người đồng cấp Solomon trong những tuần tới, khi Australia tìm cách tăng cường quan hệ với quốc gia Thái Bình Dương.

Vị trí Quần đảo Solomon (trong khung màu cam) và Australia. Đồ họa: Britanica.
Huyền Lê (Theo Guardian)