![]() |
Nội soi cắt túi mật. |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Nguyện, Trưởng khoa Ngoại 1 Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương TP HCM, cho biết, bệnh sỏi túi mật có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do mức sống người dân ngày càng cao, bữa ăn ngày càng giàu chất dinh dưỡng hơn. Lượng cholesterol dư thừa lắng đọng ở túi mật gây nên sỏi. Tại trung tâm Trưng Vương, trung bình mỗi tuần có 10 bệnh nhân phải cắt túi mật.
Sỏi mật có thể hiện diện trong nhiều năm mà không gây triệu chứng. Tuy nhiên, khi bộc phát (do lúc co bóp, thành túi mật đè vào các hòn sỏi), chúng gây đau dữ dội vùng dưới sườn phải. Mặt khác, sỏi có thể đi vào ống gan và ống dẫn mật chung, làm tắc dòng chảy của mật vào tá tràng, gây cản trở cho sự hấp thu chất béo, dẫn đến vàng da hay viêm đường mật. Bệnh nhân bị sốt, nôn mửa, buồn nôn và biếng ăn. Những triệu chứng trên có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm với bệnh ở tá tràng, viêm loét đại tràng.
Các trường hợp viêm túi mật mạn tính thường gây rối loạn tiêu hóa. Nếu không được điều trị kịp thời, túi mật rất dễ bị vỡ, gây nhiễm trùng nặng hoặc tử vong.
Trong nhiều trường hợp, sỏi túi mật không gây triệu chứng nên thỉnh thoảng mọi người nên đi siêu âm để tìm sỏi. Nếu có sỏi và gây đau, cần phẫu thuật sớm.
Bác sĩ Nguyễn Cao Cương, Trưởng khoa Ngoại gan mật Bệnh viện Bình Dân TP HCM, cho biết, soi cắt túi mật hiện được coi là "tiêu chuẩn vàng" trong điều trị sỏi túi mật. Đây là kỹ thuật giản, được thực hiện trong khoảng 30 phút.
Nhiều bệnh nhân thường sợ rằng nếu cắt túi mật, cơ thể sẽ bị khiếm khuyết nên đề nghị bác sĩ chỉ mổ túi mật lấy sỏi hoặc uống thuốc tan sỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, túi mật chỉ là nơi dự trữ mật (được sản xuất ở gan) nên việc mất nó sẽ không gây xáo trộn nào đáng kể. Khi đó, mật sẽ đi thẳng từ gan đến các bộ phận tiêu hóa mà không phải thông qua túi mật nữa. Ngược lại, nếu túi mật được giữ lại, nó sẽ rất dễ sinh sỏi, khiến bệnh tái phát. Phương pháp uống thuốc tan sỏi có hiệu quả thấp, thời gian điều trị kéo dài, gây tốn kém.
Một số bệnh nhân cho rằng chỉ nên phẫu thuật khi viên sỏi có kích thước lớn. Đó là một quan niệm sai lầm. Thực ra, sự nguy hiểm của sỏi không phải ở độ lớn mà ở sự di chuyển. Sỏi di chuyển càng nhiều thì mức độ nguy hiểm càng cao vì dễ gây tắc mật hay viêm túi mật.
Đối với những viên sỏi bất động, không gây bất kỳ triệu chứng nào, các bác sĩ không cắt túi mật mà chỉ theo dõi (khả năng gây biến chứng ở loại sỏi này chỉ có 2%). Trong trường hợp sỏi gây biến chứng nặng như xì mủ, viêm nặng..., cần cắt túi mật bằng phương pháp mổ hở.
(Theo Người Lao Động)