Bác sĩ Bùi Hoàng Thảo, khoa Tiết niệu, Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội cho biết, khoa vừa tiến hành phẫu thuật cho một trường hợp bị sỏi thận kích thước lớn. Viên sỏi đã đúc khuôn vào toàn bộ ngóc ngách trong thận, trong khi xung quanh toàn mạch máu lớn. Vì thế khi mổ lấy sỏi thận các bác sĩ phải hết sức cẩn thận.
“Nếu lỡ tay làm đứt, máu sẽ chảy không cầm được. Bênh nhân có thể chết trên bàn mổ", bác sĩ Thảo nói. Sau hai tiếng rưỡi phẫu thuật, các bác sĩ lấy ra viên sỏi dài 11 cm, to như củ gừng.
Sỏi hình thành, di chuyển ở bất cứ vị trí nào trên đường đi của nước tiểu và được gọi là sỏi thận, sỏi niệu quản hay sỏi bàng quang. Do cấu tạo của thận có nhiều ngóc ngách, khe kẽ mà độ lắng đọng lớn hơn khiến thận dễ bị sỏi hơn cả.
Sỏi thận thường không gây đau nên người dân thường chủ quan. Khi bệnh nhân thấy đau đến bệnh viện thì hầu hết sỏi đã to, gây ra nhiều biến chứng, làm giảm chức năng thận. Vì thế, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý về sỏi. Khi mắc bệnh cần đến các cơ sở y tế để điều trị nhằm tránh các biến chứng gây mất chức năng thận, ứ mủ, ứ nước thận.
Sỏi thận là sự lắng đọng những chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu, vì một lý do nào đó đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi trong thận. Tùy thời gian, vị trí và độ lắng đọng mà kích thước sỏi lớn nhỏ khác nhau.
Hà An