Hình ảnh X-quang cho thấy dị vật không sắc nhọn nằm sâu trong tá tràng. Bác sĩ gây mê cho bé, nội soi dạ dày lấy ra sợi dây chuyền. Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Khôi, Trưởng khoa Tiêu hóa, cho biết chỉ trong tháng 5, khoa tiếp nhận 5 trường hợp hóc dị vật.
Dị vật trẻ thường hóc là đồng xu, pin, kim khâu, tăm tre, que kẹo mút, xương cá, kẹp tóc, ghim giấy, ốc vít, nút áo... Các dấu hiệu hóc dị vật liên quan đến tính chất và vị trí (to hay nhỏ), thời gian hóc... Một số người hóc dị vật lúc nào không biết, đến khi có các dấu hiệu nặng, đến bệnh viện khám mới phát hiện.
Các triệu chứng hóc dị vật được bác sĩ chia làm hai nhóm: mắc dị vật tại thực quản và mắc tại dạ dày.
Mắc dị vật tại thực quản, trẻ có các triệu chứng nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức, có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn. Trẻ có thể khạc ra máu trong trường hợp dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp xe.
Hóc dị vật ở dạ dày, trẻ thường đau bụng, quấy khóc, buồn nôn, ăn không tiêu. Lâu ngày, dị vật có thể gây thủng dạ dày, chảy máu.
Bác sĩ Khôi cho biết, đối với dị vật ở thực quản, dạ dày, cách điều trị lả nội soi gắp ra. Phương pháp này an toàn, không đau, không co thắt thực quản. Người bệnh được khám lâm sàng, chụp X-quang xác định vị trí mắc dị vật, làm các xét nghiệm tiền mê.
Trường hợp dị vật quá to hoặc đã gây biến chứng nặng, cần can thiệp ngoại khoa.
Thúy Quỳnh