Trước đó, anh đã đi khám và điều trị nhưng không đỡ, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy kiểm tra.
Ngày 18/5, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp phát hiện bàng quang của bệnh nhân có nhiều sỏi, viên lớn nhất kích thước 32x 37mm, chỉ định phẫu thuật.
Sau một giờ can thiệp, bác sĩ đã lấy 4 viên sỏi như quả trứng gà. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Sỏi có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của đường tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo... Nguyên nhân gây sỏi bàng quang chủ yếu do nhịn tiểu, ít uống nước. Một số trường hợp bị phì đại tiền liệt tuyến, u xơ, nhiễm trùng vùng sinh dục tái phát, chế độ ăn uống chưa khoa học, đã từng trải qua phẫu thuật hoặc sử dụng một số loại thuốc có nguy cơ cao bị sỏi thận...
Triệu chứng thường gặp là đau lưng, đau vùng mạn sườn, có thể lan ra phía bụng dưới, mạn sườn và bắp đùi. Đau khi đi tiểu, thậm chí đau buốt, tiểu ra máu, tiểu rắt, tiểu són. Cảm giác buồn nôn và nôn hoặc sốt và ớn lạnh.
Bệnh thường diễn biến âm thầm, người bệnh có thể không nhận ra cho tới khi đi khám. Giai đoạn sớm, sỏi gây đau, viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, sỏi bàng quang sẽ gây ra những biến chứng nặng như rối loạn tiểu tiện, bí tiểu, viêm bàng quang (cấp hoặc mạn tính), nhiễm trùng tiểu, suy thận, thậm chí ung thư bàng quang.
Hiện có nhiều phương pháp tán sỏi công nghệ cao, ít xâm lấn như tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi ngược dòng bằng laser, nội soi ống mềm, tán sỏi qua da ít biến chứng, thời gian hồi phục nhanh. Tuy nhiên, những trường hợp để lâu ngày, sỏi quá to, viêm dính... cần can thiệp bằng mổ mở.
Để phòng ngừa, mọi người cần uống 1,5 đến hai lít nước mỗi ngày, tránh nhịn tiểu làm ứ đọng nước tiểu lâu ngày. Vận động đều đặn như tập thể dục, đi bộ, bơi..., tránh ngồi hoặc nằm một chỗ kéo dài. Duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp, tránh ăn thức ăn nhiều canxi, giảm sự tích tụ hình thành sỏi.
Thùy An