Ngày 10/12, đại diện Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết bệnh nhân được đưa đến cấp cứu với hai mi mắt phù, cơn khó thở tăng dần, ngứa nhiều. Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh sốc phản vệ độ 2 do uống rượu ngâm sáp ong, điều trị theo phác đồ phản vệ. Sau một ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định.
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng, xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc dị nguyên. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi trường hợp và không chỉ do dùng thuốc, có thể do thức ăn (tôm, cua, ghẹ, côn trùng), côn trùng đốt, tiếp xúc chất lạ.
Về nguyên lý, khi tiếp xúc một chất lạ, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều kháng thể đặc hiệu chống lại chất lạ này. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cơ thể phản ứng quá mức, khiến hệ miễn dịch khởi động chuỗi các phản ứng hóa học dẫn đến hiện tượng sốc phản vệ. Cơ thể có thể phản ứng phản vệ với nhiều tác nhân.
Có 4 mức độ sốc phản vệ:
Mức độ 1: Người bệnh chỉ có triệu chứng ở da như nổi mề đay, ngứa, đỏ ửng... Khoảng 20% trường hợp sốc phản vệ không xuất hiện các triệu chứng ở da hay niêm mạc, một số khác có dấu hiệu tụt huyết áp.
Mức độ 2: Người bệnh bị phù mạch, khó thở hoặc thở nhanh nông, tức ngực, đau bụng, tiêu chảy, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
Mức độ 3: Người bệnh nguy kịch với tình trạng thở nhanh, tím tái, rối loạn nhịp thở, co giật, mạch nhanh nhỏ và tụt huyết áp.
Mức độ 4: Ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp hoặc những biến chứng muộn như viêm cầu thận, viêm cơ tim dị ứng, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.
Nhìn chung, hơn 70% trường hợp sốc phản vệ xuất hiện triệu chứng qua da. Nhiều trường hợp sau khi ăn uống bị đau bụng, nôn ói, nổi mề đay nghĩ do dị ứng, rối loạn tiêu hóa hay trúng gió nên tự mua thuốc uống, cạo gió tại nhà dẫn đến nguy kịch. Bác sĩ khuyến cáo ngay khi xuất hiện dấu hiệu bất thường nên đi đến các bệnh viện để được xử trí cấp cứu kịp thời.
Thúy Quỳnh