Chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Hoàng Trung Thanh, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, ngày 27/8 cho biết bệnh nhi có tiền sử uống paracetamol thì có hơi mẩn đỏ, mức độ nhẹ, tự khỏi. Lần này, sau khi uống một liều paracetamol 500 mg thì khoảng 20 phút sau, bé nổi đỏ, lả đi, gần như ngất xỉu. Người nhà đưa vào trạm y tế, sau đó chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, huyết áp tụt 70/40 mmHg, mạch nhanh nhỏ khó bắt, khó thở, chỉ số SpO2 88% (Giá trị SpO2 bình thường sẽ dao động ở mức 95-100%).
Bệnh nhi được chẩn đoán phản vệ độ III. Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ của sốc phản vệ: thở máy, vận mạch, Corticoid...
Phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất làm dị ứng (dị ứng nguyên). Khi phản ứng phản vệ, một loạt các chất hóa học được giải phóng bởi hệ miễn dịch có thể đẩy cơ thể vào tình trạng gọi là sốc phản vệ, biểu hiện khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu đúng và kịp thời.
Acetaminophen (paracetamol) là thuốc hạ sốt giảm đau thông dụng, thực tế cho thấy hầu như gia đình nào cũng có sẵn và dùng thường xuyên. Cho đến nay, tỷ lệ sốc phản vệ với acetaminophen (paracetamol) được báo cáo trên toàn thế giới không nhiều, nhưng vẫn xảy ra, vì vậy mọi người không được chủ quan khi sử dụng acetaminophen (paracetamol).
Theo bác sĩ Thanh, nguyên nhân sốc phản vệ do paracetamol là do cơ địa mỗi người. Bệnh nhân này may mắn sau một tuần nằm viện điều trị, trẻ ổn định và được xuất viện.
Bác sĩ Thanh cho biết, bệnh nhân tiền sử phản vệ với paracetamol thì những lần sốt sau không được tự ý mua thuốc uống mà phải có chỉ định của bác sĩ, chuyển sang nhóm hạ sốt khác. Bệnh nhân nên đến các trung tâm dị ứng để làm các test dị nguyên với paracetamol, tránh ảnh hưởng về sau này.
Các bác sĩ Hồi sức cấp cứu khuyến cáo, bất kỳ một loại thuốc nào cũng có thể gây dị ứng với một đối tượng nào đó, mọi người dùng thuốc phải an toàn và theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài thuốc, các loại thức ăn, hóa chất cũng có thể gây dị ứng. Người dùng thuốc phải đến bệnh viện ngay khi có những triệu chứng của dị ứng thuốc như nổi mề đay, ngứa, tức ngực, khó thở...