Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, ngày 18/9, trong tình trạng lơ mơ, kích thích, nổi mẩn đỏ toàn thân, buồn nôn, khó thở, huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ khó bắt. Bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ độ III do thực phẩm, cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ gồm tiêm Adrenalin, sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch...
Bác sĩ Hoàng Thăng Vân, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết may mắn bệnh nhân đến viện và được xử trí kịp thời, giữ được tính mạng.
Bệnh nhân cho biết bữa ăn có nhiều món, nhưng khi vừa ăn thịt gà và con ruốc biển thì thấy trong người có biểu hiện khác thường. Sau ăn 15 phút, bà đau bụng, ngứa khắp người, ban đỏ toàn thân. Sau khoảng 30 phút, tình trạng ngày càng nghiêm trọng, bà bất tỉnh.
Sốc phản vệ là một hội chứng cấp tính, có nguy cơ tiềm tàng đe dọa tính mạng với biểu hiện toàn thân, đặc trưng gồm suy thở hoặc suy tuần hoàn, thậm chí cả hai. Khi bị sốc phản vệ, cấp cứu càng sớm càng tốt, nếu để chậm trễ, bệnh nhân có nguy cơ bị suy hô hấp cấp, tụt huyết áp dẫn tới tử vong.
Tình huống phản vệ quá nhiều, các loại thuốc trong quá trình chẩn đoán điều trị kể cả trong thức ăn hằng ngày cũng đều có thể dẫn đến sốc phản vệ như dị ứng trứng, sữa, cua... Trường hợp nhẹ sẽ ngứa, đau bụng, đi ngoài; nặng có thể tử vong. Bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.