Người bệnh được đưa đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu sau đó chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Khi vào khoa Hồi sức nội và chống độc, bệnh nhân trong tình trạng sốc tim, mạch nhanh, rối loạn nhịp phức tạp, có lúc rung thất; huyết áp hạ sâu, siêu âm tim thấy giảm vận động toàn bộ thành tim.
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ mức độ nguy kịch do ong đốt, viêm cơ tim cấp biến chứng sốc tim. Các bác sĩ sử dụng ECMO (oxy hóa máu quang màng ngoài cơ thể) nhằm cứu sống bệnh nhân.
"Trường hợp này chỉ chậm một chút là ngừng tim nếu không hỗ trợ ECMO kịp thời", tiến sĩ Phạm Đăng Hải, Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, cho biết.
Sau khi được điều trị tích cực, tình trạng người bệnh dần cải thiện, được cai ECMO sau 5 ngày và rút ống nội khí quản sau 7 ngày. Đến ngày 16/9, sau một tuần điều trị, tình trạng người bệnh tiến triển tốt và đang dần ổn định trở lại.
Phản ứng phản vệ xảy ra khá đa dạng, có thể do thuốc hoặc hóa chất điều trị, dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và côn trùng đốt. Bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo một số bước xử trí khi bị ong đốt như sau: Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Lấy vòi chính của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chính và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm; bôi dung dịch sát trùng như povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày hai lần. Uống nhiều nước để loại thải độc tố. Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng. Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt nên được chăm sóc và theo dõi cẩn thận, đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.
Trường hợp bị phản vệ mức độ nặng (bất tỉnh, thở chậm hoặc ngừng thở, ngừng tim) cần được cấp cứu hô hấp, tuần hoàn tại chỗ và gọi hỗ trợ cấp cứu ngay.