Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngày 1/12 thông tin da bệnh nhân nổi vân tím, đau nhức vật vã, sưng đỏ vị trí đốt, huyết áp khó đo, khoảng 60 vết ong đốt trên cơ thể, chủ yếu ở đầu, mặt, cổ. Bệnh nhân được các bác sĩ sơ cứu, phải thở oxy, xét nghiệm máu, chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 do ong đốt.
Sau điều trị theo phác đồ sốc phản vệ, người bệnh tỉnh táo, tự thở được, sức khỏe ổn định.
Phản ứng phản vệ xảy ra khá đa dạng, có thể do thuốc hoặc hóa chất điều trị, dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và côn trùng đốt. Bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các triệu chứng sốc là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, có thể có tiếng thở rít, rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong. Nọc ong gây tổn thương tế bào cơ thể như tiêu cơ, hoại tử cơ vân cấp, suy thận cấp, tổn thương đa cơ quan...
Theo các bác sĩ, khi bị ong tấn công, nạn nhân phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong càng bu lại tấn công.
Đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Xác định loài ong để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như ong rừng, ong vò vẽ hay ong bắp cày... thường có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm. Người bị ong đốt có các triệu chứng đau nhiều, mệt mỏi, thậm chỉ khó thở, phù mặt, đi tiểu có máu...
Chuyên gia khuyến cáo không chọc phá tổ ong; thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà; đứng hoặc ngồi im khi ong bay đến gần. Trường hợp nuôi ong lấy mật, tiếp xúc với ong cần mặc áo quần phòng hộ, kín, hạn chế tối đa nguy cơ bị ong đốt. Khi vào rừng, đi dã ngoại, tránh mặc quần áo màu sặc sỡ; không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm... có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong.