Bộ Quốc phòng Nga hôm 14/4 cho biết tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, bị chìm khi đang được kéo về cảng sau sự cố cháy nổ ngoài khơi Ukraine. Sự kiện này được coi là tổn thất nặng nề với Nga cả về mặt tác chiến và hình ảnh, khi chiến hạm Moskva được coi là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của hải quân Nga hiện nay.
Moskva có tên gốc là Slava (Vinh quang), là chiếc đầu tiên thuộc lớp tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Đề án 1164 Atlant. Nó được khởi đóng năm 1976 tại Nhà máy đóng tàu 61 Kommunara ở thành phố Mykolaiv, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine thuộc Liên Xô. Chiến hạm được hạ thủy sau đó ba năm và đưa vào biên chế hải quân Liên Xô đầu năm 1983.
Slava từng được sử dụng để đưa phái đoàn Liên Xô do lãnh đạo Mikhail Gorbachev dẫn đầu tới dự hội nghị thượng đỉnh Malta đầu tháng 12/1989. Phái đoàn Mỹ do tổng thống George H.W. Bush dẫn đầu đến sự kiện bằng tuần dương hạm USS Belknap.
Chiến hạm trở về Mykolaiv để đại tu vào tháng 12/1990 và chỉ rời cảng sau đó 8 năm, sau khi Liên Xô tan rã. Nó được tái biên chế cho hải quân Nga vào tháng 4/2000 với tên gọi Moskva, thay thế tàu tuần dương Đô đốc Golovko trong vai trò soái hạm của Hạm đội Biển Đen.
Không chỉ là soái hạm, Moskva còn là tàu mặt nước có dàn vũ khí và cảm biến uy lực nhất của Hạm đội Biển Đen. Con tàu dài 186 m, rộng 21 m và có lượng giãn nước 12.000 tấn này nhiều năm qua đã trở thành một biểu tượng cho sức mạnh của hải quân Nga.
Moskva đã tham gia hàng loạt hoạt động hợp tác hải quân, trong đó có diễn tập và thăm cảng nước ngoài. Nó được triển khai tuần tra Biển Đen khi chiến tranh Nga - Gruzia bùng phát vào tháng 8/2008.
Tháng 8/2013, tàu tuần dương Moskva cập cảng Havana tại Cuba, trước khi triển khai đến Địa Trung Hải để phản ứng với đợt tập kết tàu chiến Mỹ ngoài khơi Syria. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, Moskva có nhiệm vụ phong tỏa hải đội Ukraine ở hồ Donuzlav tại bán đảo Crimea.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Syria cuối năm 2015, chiến hạm Moskva được triển khai ở đông Địa Trung Hải để lập ô phòng không bảo vệ cảng Latakia. Con tàu di chuyển đến vùng biển ngoài khơi biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11/2015 để phản ứng với vụ tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 Nga.
Sau chiến dịch ở Syria, Moskva về cảng bảo dưỡng đầu năm 2016, nhưng tình trạng thiếu ngân sách khiến số phận con tàu không được quyết định cho đến giữa năm 2018.
Quá trình bảo dưỡng và nâng cấp hoàn tất đầu tháng 7/2020, cho phép chiến hạm vận hành đến năm 2040. Vũ khí chính của Moskva là 16 tên lửa diệt hạm P-1000 Vulkan với tầm bắn 800 km, mỗi quả đạn có chiều dài tương đương một tiêm kích MiG-17 và nặng khoảng 5 tấn, mang được đầu đạn bán xuyên giáp chứa 950 kg thuốc nổ mạnh hoặc đầu đạn hạt nhân tương đương 350.000 tấn thuốc nổ TNT.
Nó cũng được trang bị 64 tên lửa phòng không tầm xa với tầm bắn 90 km, 40 tên lửa phòng không tầm ngắn cùng nhiều loại pháo tự động, vũ khí chống ngầm và hệ thống tác chiến điện tử.
Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, tuần dương hạm Moskva tham chiến ngay từ những ngày đầu, đóng vai trò tàu chỉ huy và ô phòng không tầm xa của lực lượng Nga trên Biển Đen.
Hải quân Ukraine không sở hữu các tàu chiến cỡ lớn tại Biển Đen, khiến dàn tên lửa Vulkan của tuần dương hạm Moskva không có điều kiện thể hiện sức mạnh.
Tuy nhiên, tổ hợp phòng không S-300F Fort với 64 quả đạn có tầm bắn 90 km cho phép Moskva thiết lập mạng lưới phòng không trên Biển Đen, hạn chế hoạt động của không quân Ukraine và bảo vệ lực lượng mặt đất tham chiến tại miền nam nước này. Radar cảnh giới ba tọa độ MR-710 Fregat và MR-800 Voskhod với tầm theo dõi 150-200 km cũng cho phép nó theo dõi nhiều mục tiêu trên không, trên biển trong quá trình tuần tra.
"Tổ hợp phòng không S-300F Fort cho phép chiến hạm Moskva bao phủ phần lớn khu vực phía bắc Biển Đen trong các chuyến tuần tra. Đây dường như là một phần trong lưới phòng thủ đa tầng với sự tham gia của tổ hợp S-400 tại quân cảng Sevastopol và những hệ thống tương tự triển khai khắp bán đảo Crimea", chuyên gia quân sự H. I. Sutton nhận xét.
Tuy nhiên, dàn vũ khí và cảm biến hiện đại đó không giúp tuần dương hạm Moskva tránh được kết cục bi thảm. Một vụ cháy nổ xảy ra trên tàu khi nó đang hoạt động ở ngoài khơi thành phố Odessa, miền nam Ukraine hôm 13/4.
Thị trưởng Odessa tuyên bố lực lượng Ukraine đã sử dụng hai tên lửa chống hạm Neptune để tấn công tàu Moskva. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho hay con tàu bị nổ kho đạn sau một vụ cháy, khiến phần thân bị hư hại nặng nề. Trong quá trình được lai dắt về cảng ở Crimea, tàu Moskva bị chìm trên Biển Đen hôm 14/4.
Tàu Moskva bị chìm khiến hải quân Nga mất chiếc ô phòng không uy lực tại Biển Đen, nhất là khi hai chiếc còn lại thuộc Đề án 1164 là Varyag và Đô đốc Ustinov đều ở Địa Trung Hải, không thể vào Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa eo biển Bosphorus và Dardanelles.
Sự cố còn khiến Nga hứng chịu thiệt hại không thể bù đắp về kinh tế. "Họ sẽ tốn ít nhất 700 triệu USD để thay thế chiến hạm này, nhưng không có ngân sách làm điều đó trong tình trạng khó khăn hiện nay", Sean Spoonts, tổng biên tập tạp chí Special Operations Forces Report (SOFREP), nhận xét.
Các tàu chiến Nga từng hoạt động tự do gần bờ biển Ukraine những tuần qua dường như đã di chuyển ra xa hơn sau sự việc. "Nga đã đánh mất một phần quan trọng trong năng lực hải quân ở Biển Đen, cũng như khả năng tập kích mục tiêu ở Ukraine. Chiến dịch đổ bộ vào Odessa hoặc Mykolaiv giờ đây gần như là bất khả thi nếu thiếu Moskva", nhà phân tích quân sự Nga Pavel Luzhin nêu quan điểm.
"Vụ chìm tàu Moskva là thiệt hại nặng nhất của Nga từ đầu chiến dịch tại Ukraine. Mất tàu chiến khác xa với những khí tài quân sự khác, bởi chúng thường được coi là lãnh thổ mở rộng của một quốc gia. Hiệu ứng tâm lý lại càng nghiêm trọng, khi chiến hạm được đặt tên theo thủ đô của Nga và mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng", Tayfun Ozberk, bình luận viên quân sự kỳ cựu của Naval News, nhận xét.
Vũ Anh (Theo Naval News, Newsweek)