Chiều 27/10, tại họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM Lê Thiện Quỳnh Như ghi nhận tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc gia tăng, trong đó có rất nhiều điều dưỡng. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc bệnh nhân ở các cơ sở y tế.
"Sở Y tế đã nghiên cứu và đề xuất với UBND thành phố những giải pháp để tháo gỡ tình trạng thiếu điều dưỡng", bà Như cho biết.
Cụ thể, Sở Y tế TP HCM đề xuất tài trợ 100% chi phí đào tạo chuẩn hóa trình độ cao đẳng cho điều dưỡng, hộ sinh đang công tác tại các đơn vị y tế công lập từ hai năm trở lên. Ngoài ra, Sở đề nghị chính sách hỗ trợ thu nhập cho điều dưỡng và hộ sinh, áp dụng hệ số thu nhập tăng lên tối đa 1,8. Đồng thời, Ban thi đua khen thưởng các Sở, ngành thường xuyên quan tâm, tuyên truyền hình ảnh người điều dưỡng, hộ sinh ngày đêm chăm sóc người bệnh, ghi nhận xứng đáng hơn những đóng góp tích cực của họ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trung bình của Việt Nam hiện là 11,4/10.000 dân, chưa bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 50.000 điều dưỡng để đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc y tế của người dân.
Trước đó, làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM sáng 7/10, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng nói: "Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ ở các bệnh viện công lập giảm dần, cần 3-4 điều dưỡng/bác sĩ còn thống kê hiện nay 1,86 điều dưỡng/bác sĩ".
Đặc thù công việc của người điều dưỡng khá vất vả, áp lực công việc cao, môi trường làm việc luôn có nguy cơ lây nhiễm bệnh, trong khi thu nhập thì thấp chỉ 7-8 triệu đồng một tháng. Nhiều người thu nhập không đảm bảo cuộc sống gia đình dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề, một số ít khác được bệnh viện tư tiếp nhận với mức lương cao hơn.
Bên cạnh đó, các điều dưỡng ngạch trung cấp đang gặp khó khăn trong việc học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng đều khá cao, mỗi năm học phải tốn 35-40 triệu đồng, nhưng khi ra trường công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi. Số lượng người nộp đơn vào các trường đào tạo điều dưỡng ngày càng giảm.