"Đây là trường hợp nghiêm trọng, chưa từng có và không ai mong muốn, chúng tôi vô cùng đau xót", bà Hằng nói. Trong những bệnh nhân gặp nạn có người đã 10 năm chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, thân thiết với các y bác sĩ khoa thận như người nhà.
"Chúng tôi sẽ rà soát lại quy trình và trách nhiệm trong vụ việc, xử lý tập thể hay cá nhân nếu có sai sót", Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết. Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hiện phải dừng hoạt động để phục vụ điều tra nguyên nhân gây tai biến.
Theo lịch, ngày 30/3 có hơn 60 bệnh nhân tại đây đến kỳ chạy thận lọc máu. Sở Y tế tỉnh đã chuyển số bệnh nhân này về Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Thận Hà Nội để được điều trị.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương, đánh giá sự cố y khoa ở Hòa Bình là nghiêm trọng song "các bác sĩ không được phép hoang mang vì sẽ không thể làm việc".
Theo ông, hiện chưa thể kết luận về nguyên nhân dẫn đến tai biến chạy thận tại Hòa Bình. Song ông đề nghị Bộ Y tế cần tiến hành rút kinh nghiệm không chỉ với Hòa Bình mà các bệnh viện cả nước và công bố ngay khi có kết luận nguyên nhân sự cố.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, rút kinh nghiệm sau tai biến ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, các bệnh viện khác có khoa thận nhân tạo đang rà soát quy trình tại đơn vị mình.
"Không ai muốn rủi ro xảy ra, nhưng khi có sự cố thì phải xem lại quy trình, vấn đề bảo hiểm cho người bệnh và bác sĩ", bà Lan chia sẻ.
Sáng 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thì có dấu hiệu nghi sốc phản vệ. 7 người lần lượt tử vong, một người đang trong tình trạng nguy kịch, 10 bệnh nhân còn lại được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp. Do khoa Thận nhân tạo phải ngừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, khoảng 100 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo khác được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Thận Hà Nội để lọc máu định kỳ.
Giám đốc bệnh viện xin lỗi các bệnh nhân