Chiều 16/12, tại họp báo định kỳ của UBND TP Hà Nội, nhiều câu hỏi liên quan đến lát đá vỉa hè được nêu ra. Ông Minh cho biết, theo phân cấp, những dự án chỉnh trang hè phố, trong đó có lát đá, do UBND quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Những năm qua, UBND thành phố và Sở liên tục đôn đốc các quận huyện thực hiện đúng quy định, quy chuẩn liên quan đến lát đá vỉa hè.
Năm 2022, Sở Xây dựng đã kiểm tra xác xuất 7 dự án chỉnh trang vỉa hè, qua đó phát hiện 5 vấn đề tồn tại. Thứ nhất, tại một số vị trí, việc thi công không đúng quy chuẩn quốc gia về đảm bảo quyền tiếp cận của người khuyết tật. Thứ hai, việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đá tại một số tuyến chưa đúng quy định.
Thứ ba, việc tổ chức mặt bằng thi công chưa khoa học, dàn trải, làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh. Thứ tư, công tác giám sát của chủ đầu tư và tư vấn giám sát chưa liên tục, chặt chẽ. Cuối cùng là việc quản lý bảo trì chưa đảm bảo, còn hiện tượng chiếm dụng vỉa hè làm nơi bán hàng, đỗ xe.
Là quận có hai tuyến phố lát đá bị hư hại, Phó chủ tịch quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng cho hay, tuyến phố Lê Trọng Tấn được lát đá năm 2016 và đường Nguyễn Trãi thi công năm 2017. Thời điểm này thành phố chưa ban hành quy chuẩn lát đá. Năm 2018, thành phố đã thanh tra lát đá vỉa hè, chỉ ra những thiếu sót của hai tuyến trên. Quận Thanh Xuân đang thực hiện theo kết luận thanh tra cũng như duy tu, đảm bảo chất lượng vỉa hè.
Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, qua phản ánh của công luận và việc kiểm tra thực tế của Sở Xây dựng, một số tuyến phố lát đá vỉa hè đã xảy ra tình trạng đá bị bong, nứt vỡ. "Nguyên nhân chủ yếu là thi công chưa đảm bảo kỹ thuật, chất lượng đá lát, công tác quản lý sử dụng sau đầu tư và duy tu bảo trì chưa được quan tâm đúng mức...", ông Dũng nói.
Ngày 16/12, Phó chủ tịch thành phố Dương Đức Tuấn đã yêu cầu chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý hè đường. Các đơn vị rà soát, tạm dừng việc sử dụng hè phố làm điểm đỗ ôtô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nứt hè phố; kiểm tra, xử lý ôtô dừng, đỗ, đi trên vỉa hè, các công trình xây dựng có hoạt động thi công làm hỏng kết cấu hè phố...
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành kiểm tra, đánh giá nguyên nhân đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ và đề xuất giải pháp trong quý I/2023.
Từ cuối năm 2016, nhiều quận đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, được cho có thể sử dụng 50-70 năm. Tuyến phố đầu tiên là Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, rồi tới Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng... Sau vài tháng, mặt đá lát bong tróc, gãy nát. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo dừng dự án chuẩn bị đầu tư, cải tạo vỉa hè để rà soát, giao kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.
Kết luận thanh tra tháng 2/2018 nêu một số bất cập trong thiết kế mẫu, loại đá dùng trong bêtông lót nền hè; thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công; một số mẫu đá lát hè không đảm bảo theo thiết kế...
Đầu năm 2019, thành phố ban hành quyết định thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn. Sau đó, 15 quận, huyện, thị xã đề xuất lát đá vỉa hè gần 300 tuyến phố. Đến nay các quận đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố, tập trung ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Tây Hồ...
Võ Hải