Đây là số liệu được nêu tại báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tại cuộc họp ngày 14/10.
Hơn 7.500 tỷ đồng đã được cơ quan chức năng thu nộp ngân sách nhà nước (giảm 351,5%); khoảng 1.600 vụ đã bị khởi tố (tăng gần 90,3%) với hơn 2.100 người (tăng 85,63%).
Dù giảm về số lượng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Các mặt hàng chủ yếu là khẩu trang, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, que test Covid-19, nước sát khuẩn....; diễn ra tại nhiều địa phương, nhưng phức tạp ở Hà Nội và TP HCM.
Tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp tại khu vực biên giới nhiều tỉnh, nhất là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị.
Theo ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389, xuất hiện thủ đoạn đặt sản xuất hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập lậu về tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, tại nhiều điểm bán hàng, có tình trạng trưng bày lẫn lộn hàng giả, hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng và đối phó với lực lượng chức năng.
Một phương thức mới những người vi phạm sử dụng là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo "luồng xanh" để vận chuyển; lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm...
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo, cho rằng một số đơn vị "còn nể nang, bao che, thậm chí có bảo kê của một số người có trách nhiệm". Từ nay tới cuối năm, khi đất nước mở cửa trở lại và chuẩn bị đón Tết, nhu cầu về hàng hoá nhiều hơn, thủ đoạn gian lận thương mại, buôn bán hàng giả và buôn lậu có thể sẽ tăng lên. Vì vậy, ông yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, có kế hoạch chuyên đề liên quan các nhóm mặt hàng đang tăng giá như xăng dầu, khoáng sản, nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình tái khởi động nền kinh tế...