Nhà của học giả Vương Hồng Sển (đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh) được xếp hạng di tích cấp thành phố cần được bảo tồn, giữ gìn hiện trạng, theo quyết định UBND TP HCM vào tháng 8/2003.
Tuy nhiên, bà Vương Thị Việt Hoa - cháu ruột ông Vương Hồng Sển - cho biết nhiều năm qua một số người tận dụng bên trong sân để kinh doanh quán ốc, quán nhậu bình dân. Nhà bị ngăn vách bằng gạch, xi măng, làm nơi ở cho nhiều hộ. "Ngôi nhà bị tự ý xây bít bùng, không giữ được nguyên trạng", bà Việt Hoa nói.
Chiều 13/1, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM yêu cầu UBND quận Bình Thạnh khẩn trương cưỡng chế các cá nhân, hộ gia đình (trừ các con, cháu của ông Vương Hồng Sển) ra khỏi ngôi nhà cổ, đồng thời khắc phục hậu quả, theo quy định Luật Di sản văn hóa.
Năm 1996, con cháu học giả Vương Hồng Sển liên tục gửi đơn kiến nghị về việc thừa kế tài sản liên quan. Ông Võ Hồ Hoàng Vũ - chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM - cho biết do ngôi nhà bị vướng tranh chấp, cơ quan chức năng không thể triển khai công tác tu bổ, phục hồi và mở hoạt động trưng bày tại di tích.
Qua thời gian, nhà xuống cấp, dột nhiều chỗ, kèo nhà, kèo mái ngói bị mối mọt ăn mục. Nhiều hiện vật, tư liệu quý bên trong thất lạc không rõ nguyên do. Tháng 10/2024, cháu ruột ông Vương Hồng Sển cho biết 23 tủ sách với hàng trăm tác phẩm quý tại nhà cổ đã biến mất. Theo bà Hoa, nhà cũng không còn cổ vật do đã hiến tặng cho nhà nước.
Năm 1952, ông Vương Hồng Sển mua xác nhà 100 tuổi từ Phú Xuân, huyện Nhà Bè về dựng lại gần khu vực chợ Bà Chiểu. Ngôi nhà có năm gian hai chái, ngang 15 m, dài 20 m, được xây trên mảnh đất diện tích 750 m2. Gần 50 năm sống ở ngôi nhà được đặt tên Vân Đường phủ, học giả không chỉ bỏ công sức bài trí mà còn tạo dựng phong cách sinh hoạt phù hợp với nét cổ xưa.
Trước khi mất, ông mong muốn thành lập bảo tàng tư gia lấy tên "Nhà Vương Hồng Sển", gồm nhiều sách hiếm có Pháp văn, Quốc văn, Hán văn, chỉ dành phục vụ cho việc đọc, nghiên cứu tại chỗ. Đây là một trong bốn nội dung trong di chúc được Vương Hồng Sển lập ngày 27/6/1995.
Bà Nguyễn Thế Thanh - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM trước đây - từng cho biết học giả mời các cơ quan chức năng đến, nói muốn trao lại nhà cổ và những cổ vật bên trong ngôi nhà cho Nhà nước, thành lập bảo tàng cho người dân được thưởng lãm. Nguyện vọng ông nêu ra khi trao lại ngôi nhà là: Phải mở cửa cho mọi người tham quan. Nếu việc mở cửa cho khách tham quan thu được phí, trích một phần nguồn phí đó để bảo dưỡng nghĩa trang họ Vương ở Sóc Trăng. Ông từng nói ngôi nhà cổ và cổ vật là di sản người xưa để lại, ông may mắn sở hữu nên muốn giữ cho đời sau.
Học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Ông đam mê đọc sách, sưu tầm và ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, khảo cứu các trò chơi cổ truyền như đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng cây kiểng. Khi qua đời, ông tặng Vân Đường phủ và 849 cổ vật trong bộ sưu tập đồ cổ của mình cho nhà nước, với hy vọng thành lập một bảo tàng mang tên ông.
Học giả Nguyễn Hiến Lê từng nói: "Chúng ta nên cảm ơn ông đã ghi lại vô số tài liệu mà trong hàng chục năm, ông đã sưu tầm khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng lân cận". Nhà văn Sơn Nam từng nhận xét những tác phẩm của Vương Hồng Sển mang nhiều giá trị văn hóa, chất chứa niềm say mê của tác giả.
Mai Nhật