Ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn đang kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng để duy trì sự sống cho 1.500 động vật. Ông Phạm Anh Dũng – Phó giám đốc cho hay, bình quân doanh thu bán vé mỗi ngày trước mùa dịch là 300 triệu đồng, nhưng hiện chỉ còn khoảng 15 triệu đồng.
Báo cáo tài chính nửa đầu năm của Thảo Cầm Viên ghi nhận doanh thu chưa đến 27 tỷ đồng, giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn trong giai đoạn này xấp xỉ 41 tỷ đồng, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, nhân công... khiến công ty không có lãi.
Thảo Cầm Viên báo lỗ sau thuế lên đến 18,8 tỷ đồng và trở thành một trong bảy doanh nghiệp thuộc quản lý của UBND TP HCM phát sinh lỗ nửa đầu năm. Khoản lỗ này chỉ xếp sau Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.
Theo lý giải của ban lãnh đạo, kết quả kinh doanh bết bát vì lượng khách mua vé tham quan giảm mạnh bởi dịch bệnh. Thảo Cầm Viên đã phải đóng cửa gần hai tháng, từ 20/3-14/5. Khi mở cửa thì lượng khách khả quan, nhưng chưa được lâu dịch bệnh đã diễn biến phức tạp trở lại.
Việc lỗ đậm trong nửa đầu năm khiến Thảo Cầm Viên khó hoàn thành kế hoạch có lãi 1,7 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm. Năm ngoái, công ty thu hơn 110 tỷ đồng nhưng sau khi trừ chi phí nhân công, nguyên vật liệu, khấu hao tài sản cố định... thì cũng chỉ lãi chưa đến 1,6 tỷ đồng.
Tình hình càng khó khăn hơn khi Thảo Cầm Viên đang nợ hơn 18 tỷ đồng, trong đó phần lớn là các khoản phải trả cho người lao động. Mới đây, ban lãnh đạo công ty cho biết gần 270 nhân viên đã đồng lòng giảm 30% lương để có ngân sách duy trì chế độ tốt nhất cho động vật.
Thảo Cầm Viên được xây dựng từ năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo, sau đó được người dân TP HCM quen gọi là Sở thú. Thảo Cầm Viên hiện có nguồn vốn gần 700 tỷ đồng, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TP HCM quản lý.
Công trình có tuổi đời 156 năm được xây dựng cùng thời với Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành... và được Đô đốc Toàn quyền Đông Dương Pierre-Paul De La Grandière kỳ vọng trở thành nơi bảo tồn động thực vật, phục vụ các công trình nghiên cứu khoa học.
Phương Đông