Nhện lưới phễu Sydney (Atrax robustus) là loài nguy hiểm nhất sống ở trong và xung quanh Sydney, khét tiếng với nọc độc gây chết người. Trước khi thuốc giải độc được đưa vào sử dụng năm 1981, đã có 13 người chết do bị loài nhện này cắn. Từ khi có thuốc giải tới nay, Australia chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Tháng 11 là mùa sinh sản của nhện lưới phễu. Vào dịp này hàng năm, Công viên Bò sát Australia kêu gọi người dân kiềm chế sợ hãi và bắt sống nhện để cứu người. Công viên là nơi duy nhất cung cấp thuốc giải độc nhện lưới phễu.
"Mùa sinh sản đang tới và thời tiết rất lý tưởng, chúng tôi cần tới sự ủng hộ của mọi người hơn bao giờ hết", Emma Tni, nhân viên chăm sóc nhện của sở thú, nói. "Cần tới 150 con để lấy nọc chế một lọ thuốc giải độc. Chúng tôi cần mọi người giúp đỡ để thu thập đủ chất dùng để chế thuốc giải".
Nhện lưới phễu thường sống ở nơi mát mẻ, ẩm ướt, dưới tán lá rậm rạp nhưng cũng có thể xuất hiện trong nhà, đặc biệt là những nơi như phòng giặt, giày dép để ngoài trời, hồ bơi và lá vụn trong vườn.
Trong video đăng trên trang Instagram của công viên, Teni hướng dẫn cách thu thập nhện an toàn bằng cách dùng một chiếc thìa cán dài xúc nhện vào lọ.
"Chúng tôi khuyến khích đưa nhện cùng túi trứng của nó vào trong lọ bằng một lần xúc, cố gắng không làm nó tức giận và phá hủy túi trứng", Teni nói.
Mỗi túi trứng chứa khoảng 150-200 nhện con và đây là nguồn thuốc giải có giá trị. Sau khi lũ nhện được nhốt trong hộp an toàn, người dân có thể thả chúng tại điểm thu gom trong khu vực hoặc tại Công viên Bò sát Australia.
Những người từng sống sót nhờ thuốc giải cũng lên tiếng kêu gọi. "Công viên và chương trình thuốc giải độc đã cứu mạng tôi năm 1994", Nicole Webb viết trên trang Facebook của công viên. "Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn. Xin mọi người hãy ủng hộ chương trình bằng cách bắt và quyên tặng nhện".
Bà Karen Wright cho hay con trai đã được cứu sống nhờ thuốc giải. "Tôi biết ơn vì năm 1995 đã có thuốc giải. Nhiều năm trước, chúng tôi đi bắt nhện và đưa tới sở thú. Tôi vô cùng hạnh phúc khi hành động này vẫn tiếp diễn tới ngày nay, để cứu thêm nhiều mạng người", bà viết.
Hồng Hạnh (Theo CNN)