Các vấn đề tâm lý đằng sau sự lựa chọn thức ăn đang là chủ đề nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Illinois, Mỹ. Họ tìm thấy gần 40% những món ăn mang lại sự dễ chịu cho con người không bao gồm snack và món tráng miệng, mà chúng thường nằm trong nhóm những món ăn chính được chế biến tại nhà như súp, rau, pizza, bít tết, mì ống.
"Những món ăn gây dễ chịu là những món sau khi ăn vào mang lại cảm giác tâm lý thoải mái cho người dùng", Brian Wansink, đứng đầu nghiên cứu nói. Qua cuộc khảo sát trên toàn quốc, các nhà khoa học kết luận sở thích về món ăn gây dễ chịu được hình thành từ bé và do những điều kiện xung quanh hay giới tính tác động nên.
Ví dụ, đàn ông tìm thấy sự dễ chịu ở những món ăn vẫn thường được mẹ nấu như khoai tây nghiền, mì ống, thịt và súp, hơn là kẹo bánh. Nhưng những gì gây dễ chịu cho đàn ông lại không mang lại sự ngon miệng cho phụ nữ. Bởi phụ nữ vẫn thường là người nấu ăn chính và ít khi được người khác phục vụ, nên họ chỉ thích thú với những món ăn ít công chế biến, như chocolate, kẹo và kem. Thực tế, một nghiên cứu đã tìm thấy 92% những người nghiện chocolate là phụ nữ.
Nhiều người cho rằng mọi người tìm đến các món ăn dễ chịu khi họ thấy buồn và cô đơn. Nhưng thực tế lại ngược lại. Con người "xơi" các món ưa chuộng của mình khi họ cảm thấy phấn chấn, muốn kỷ niệm một điều gì đó hay tự thưởng cho mình. Những loại thức ăn này cũng thay đổi tuỳ theo tâm trạng. Một người có thể thèm pizza khi thấy vui vẻ, bánh quy khi buồn và khoai tây giòn khi chán.
Người lớn thường thèm các món ăn liên quan tới sự kiện cá nhân (Mẹ tôi thường nấu súp cho tôi khi tôi ốm) hoặc những người trong cuộc sống của họ (Cha tôi thích ăn thịt hầm đậu xanh). Một số món ăn lại liên quan tới tính cách cá nhân (thịt nướng rất đàn ông, tofu thì không như vậy). Cho dù thế nào thì những tâm trạng do thức ăn gây ra là các nhân tố chính thúc đẩy con người ăn và ăn quá nhiều.
Minh Thi (theo EurekAlert)